Dệt may và mục tiêu xuất khẩu chiều sâu

09:01, 19/01/2011

 

Năm 2010, Cty cổ phần may Nam Hà đạt doanh thu 146 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2009, tạo việc làm cho hơn 800 lao động.  Ảnh: Đức Đạt
Năm 2010, Cty cổ phần may Nam Hà đạt doanh thu 146 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2009, tạo việc làm cho hơn 800 lao động.
Ảnh: Đức Đạt

Về đích trước 4 năm

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm qua mặc dù có nhiều khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao (giá bông, sơ Polyester tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2009), lao động khó tuyển dụng, lãi suất ngân hàng tăng cao… nhưng sản xuất của ngành vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 11,2 tỷ USD, tăng 23,2% so với năm 2009. Trong khi đó, theo kế hoạch đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước mới là 11 tỷ USD. Như vậy, toàn ngành đã về đích trước 4 năm so với chỉ tiêu đề ra.

Nguyên nhân của sự tăng trưởng nêu trên là do sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng và sự dịch chuyển các đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài các thị trường truyền thống, thời gian qua, sản phẩm dệt may của Việt Nam đã tiếp cận với thị trường mới. Sản phẩm sợi cũng đã vào được các thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Bra-xin.

Cũng theo ông Giang, phần lớn doanh nghiệp đã ký được hợp đồng cung cấp hàng đến tận quý 2-2011. Thậm chí, các doanh nghiệp quy mô lớn, có uy tín còn ký được hợp đồng tới hết năm 2011. Hiện nay, trình độ quản lý, công nghệ sản xuất, cho tới tay nghề của từng công nhân ngành may Việt Nam đã nâng lên một tầm cao mới, vì thế không còn phải “vơ bèo, vạt tép”, không còn phải chấp nhận những đơn hàng có giá trị thấp. Đơn giá gia công tại các hợp đồng đã được ký kết cũng tăng khoảng 10% - 15% so với năm 2010.

Câu chuyện thương hiệu

Trong nền kinh tế thế giới hiện nay, khi mà thương hiệu, chất xám và công nghệ ngày càng chứng minh được lợi thế trong cạnh tranh thì đây vẫn còn là những điểm còn hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành dệt may. Mặc dù có những con số xuất khẩu ấn tượng nêu trên nhưng hiện nay ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa thoát được cái tiếng “gia công”, khi đi ra thị trường quốc tế vẫn phải cậy nhờ nhãn mác của doanh nghiệp ngoại, thương hiệu ngoại. Có rất ít các doanh nghiệp Việt Nam phát triển được thương hiệu của riêng mình ở thị trường nước ngoài. May mắn lắm thì chỉ được khách hàng quốc tế biết tới với xuất xứ “Made in Vietnam”.

Dù rằng, hiện nay đã xuất hiện một số thương hiệu nổi tiếng cho phân khúc hàng cao cấp của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Ví dụ như Manhattan, San Sciaro của Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến; Mattana, Novelty của Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè; Pharaon, Cleopatre của Tổng công ty Cổ phần May 10; Molis của Tổng công ty Cổ phần Phong Phú… Nhưng có vẻ như những thương hiệu cao cấp này vẫn chủ yếu nổi tiếng ở thị trường nội địa.

Ông Phạm Phú Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè cho biết: Kim ngạch xuất khẩu của Tổng công ty trong năm qua đạt khoảng 320 triệu USD. May Nhà Bè là doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu veston, với các thị trường chính là Mỹ, Nhật và EU. Các sản phẩm veston của Tổng công ty được bạn hàng đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, giá trị thu về trên mỗi bộ veston của May Nhà Bè còn nhỏ bé nếu so với giá thương mại khi được bán đến tay khách hàng ở nước ngoài. Ông Cường lấy ví dụ, đối tác có thể trả cho May Nhà Bè 100 USD/bộ veston, nhưng khi sản phẩm ấy được chuyển đến nước phát triển, dán thương hiệu nổi tiếng vào thì giá bán có thể lên tới cả nghìn USD.

Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến là doanh nghiệp hiếm hoi mở được tổng đại lý ở một số nước trong khu vực như Lào, Cam-pu-chia và sắp tới là Mi-an-ma. Đây là cách rất tốt để xuất khẩu trực tiếp thương hiệu, sản phẩm Việt Nam tới khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc Tổng công ty cho biết, hiện các tổng đại lý này mới chỉ dừng ở việc giới thiệu cho các khách hàng các nước trên làm quen với thương hiệu Việt Tiến, còn hiệu quả chưa thật cao. May Việt Tiến cũng đang nghiên cứu để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. “Nhưng để ý tưởng này thành hiện thực, mang lại hiệu quả có thể sẽ phải chờ đến năm 2015” - ông Bùi Văn Tiến nói. Năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến là hơn 200 triệu USD (tăng khoảng 20%).

Năng suất, hiệu quả và tính chủ động

Trong năm qua, Vinatex đã tích cực triển khai quy trình quản lý mới theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đều đã tiết kiệm được nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất và năng suất lao động. Năng suất lao động trung bình toàn tập đoàn tăng 17%, trong đó có những doanh nghiệp nâng năng suất lao động thêm 40%. Ông Vũ Đức Giang cho rằng, sử dụng quy trình quản lý tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động chính là cách thức để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động ngành dệt may thời gian qua. Lương người lao động ngành dệt may đã được cải thiện nhiều. Lương bình quân của May Việt Tiến là 5 triệu đồng/người/tháng, của May Nhà Bè đang là 4 triệu đồng/người/tháng.

Để chủ động nguyên liệu, hạn chế nhập khẩu, năm qua, Vinatex đã tiếp tục nâng cao tổng diện tích trồng bông lên khoảng 10.470ha (tăng 15% so với năm 2009). Diện tích trồng bông tập trung tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắc Nông, Quảng Nam, Sơn La, Điện Biên… Năng suất trồng bông đã cải thiện rõ rệt, bình quân đạt 1,35 tấn/ha, tăng 19,5%. Nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) cũng vừa được khánh thành. Với công suất 500 tấn xơ sợi/ngày, nhà máy sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam thêm chủ động trong nguyên liệu sản xuất.

Phát biểu tại lễ tổng kết của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng để tạo ra sự phát triển bền vững, ngành dệt may cần tiếp tục chuyển dịch lại cơ cấu và mô hình tăng trưởng theo hướng giảm phần tăng trưởng từ đầu tư và tăng phần tăng trưởng từ nâng cao năng suất. Hiện nay, tỷ lệ giữa tăng trưởng xuất phát từ tăng vốn đầu tư so với tăng trưởng từ nâng cao năng suất lao động vẫn là 65%/35%. Phó Thủ tướng cho rằng, đứng vào tốp 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới là một mốc son, tuy nhiên, đây không phải là điều quyết định. Mục tiêu cuối cùng cần hướng tới là hiệu quả thực tế bao gồm lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách, thu nhập người lao động…

Về mục tiêu, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, trong năm 2011, chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành là từ 12,7 tỷ USD đến 13 tỷ USD. Đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 18 tỷ USD đến 20 tỷ USD. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành đạt 46%, đến năm 2015 con số này sẽ là 68%-70%./.

Theo: qdnd.vn             

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com