Các di tích thờ vua và danh tướng thời Đinh

07:12, 16/12/2016
Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục di tích thờ tự hoặc có liên quan trực tiếp tới các nhân vật lịch sử thời Đinh. Trong đó, nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng tiêu biểu như: Đền Vua Đinh, xã Yên Thắng, Đình Thượng Đồng và Đình Cát Đằng ở xã Yên Tiến (Ý Yên); Đình Bườn, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc); Đình Xám, xã Hồng Quang, Đền An Lá, xã Nghĩa An, Đền Gin, xã Nam Dương (Nam Trực)…
 
Là vùng quê tiếp giáp với Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), các di tích thờ Vua Đinh Tiên Hoàng ở huyện Ý Yên mang ý nghĩa lịch sử, là nơi Vua Đinh thu nạp, rèn luyện binh sĩ để dẹp loạn 12 xứ quân. Quần thể di tích thờ Vua Đinh ở Ý Yên gồm: Đền Vua Đinh ở xã Yên Thắng; Đền Thượng, Đình Thượng Đồng và Đình Cát Đằng ở xã Yên Tiến, trong đó Đình Thượng Đồng, Đình Cát Đằng đã được Bộ VH, TT và DL công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đình Thượng Đồng thờ Vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng theo kiểu chữ nhị, bao gồm tiền tế 5 gian và chính cung 5 gian. Nhà tiền tế đứng vững bởi một bộ khung làm hoàn toàn bằng gỗ lim; những đường lượn, những cụm vân mây những hoa lá cách điệu được điểm xuyết ở các góc, các đầu bẩy, đầu xà nhà tiền tế để dung hòa sự đơn điệu của những đường thẳng ở xà và hoành. 5 gian chính cung được xây dựng nối liền, giáp mái với 5 gian tiền tế. Các bộ vì có kết cấu dạng vì kèo quá giang - kèo cầu được bổ sung thêm hai trụ tạo cảm giác chắc chắn, đơn giản. Tại gian giữa có một tấm mê mảng chạm khắc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) được sơn son thếp vàng có giá trị về mặt nghệ thuật. Toàn bộ mảng chạm khắc với vật trang trí tiêu biểu là con rồng được bố trí hài hòa, đan xen nhau; thân rồng, đầu rồng được bố trí hợp lý và với phong cách chạm lộng tạo thành những mảng sáng tối làm nổi bật toàn bộ mặt chính diện khu chính cung. Tại những góc đao của chính cung, phía dưới là đầu rồng đang ngẩng cao, mỗi góc đao đã tạo thành một cụm mây giúp toàn bộ công trình với kết cấu bằng gỗ, đá, đất nung không có cảm giác nặng nề. Khu vực Đình Thượng Đồng ngày nay, xưa là nơi Vua Đinh đã đóng quân. Địa phương còn nhiều địa danh liên quan đến một thời như cánh đồng Kiệu (nơi đặt kiệu của nhà vua), cánh đồng Khăm (nơi quân giặc mắc mưu bị tiêu diệt), khu mả Vạn (nơi chôn cất quân giặc)... Chính vì vậy sau khi đất nước bình yên, để tưởng nhớ công lao to lớn của Vua Đinh, nhân dân đã lập đình thờ để hương khói phụng sự. 
 
Đình Cát Đằng là di tích thờ hai anh em Đinh Đức Đạt và Đinh Đức Thông, những người con quê hương đã có công phù giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan sứ quân Phạm Bạch Hổ. Ngoài ra Đình Cát Đằng còn là di tích thờ ông tổ nghề sơn mài là Ngô Đức Dũng. Đình nằm trong khuôn viên có diện tích 3.887m2 quay hướng đông nam. Ngôi đình tuy đã tu sửa nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu được đường nét phong cách kiến trúc cổ. Phía trước đình có hệ thống nghi môn cột lớn và hai nhà bia làm theo kiểu chồng diêm hai tầng mái giả ngói ống. Ngôi đình được xây theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” gồm có ba tòa. Tòa tiền đường rộng 5 gian làm theo kiểu chồng diêm tám mái, đao góc uốn cong theo đúng phong cách dân tộc. Tòa trung đường gồm 5 gian với bộ khung bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam. Gian chính giữa treo bức cửa võng bằng gỗ vàng tâm chạm họa tiết tứ linh, tứ quý sơn son thếp vàng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX. Tòa cung cấm 3 gian được làm theo phong cách truyền thống, tường xây gạch thất, mái lợp ngói nam. Trong cung có cỗ khám thờ lớn đặt tượng Vua Đinh chất liệu bằng đồng. Ngoài vẻ đẹp và quy mô về kiến trúc, Đình Cát Đằng còn lưu giữ được nhiều cổ vật, cổ thư có giá trị, tiêu biểu như: 5 đạo sắc phong có niên đại từ thời Vua Lê Vĩnh Tộ (1619-1628) đến thời Vua Nguyễn Khải Định (1916-1925) cùng nhiều câu đối đại tự. 
 
Đình Xám, xã Hồng Quang (Nam Trực) là di tích thờ Phụ dực quốc chính Thượng tướng quân Trần Minh Công. Trần Minh Công tên thật là Trần Lãm. Theo các nguồn sử liệu ghi chép: Đinh Bộ Lĩnh là con nuôi của Trần Lãm. Năm Mậu Thìn (968) Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư. Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã phong cho sứ quân Trần Lãm chức Phụ Dực Quốc chính Thượng tướng quân. Cuốn ngọc phả hiện còn lưu giữ tại Đình Xám ghi lại sự kiện lúc sinh thời Trần Minh Công có qua xứ Lạc Đạo, đã giúp địa phương khơi ngòi, đắp đập, tạo dựng làng xã. Ông mất ngày 10-10 tại thôn Lạc Đạo. Đinh Bộ Lĩnh sai dân sở tại phụng thờ, hằng năm mở hội tế lễ và phong mỹ tự: “Quốc đô Thành hoàng”. Tổng thể khu di tích Đình Xám gồm ngôi đình chính ở giữa; 2 nhà giải vũ xây theo phong cách “quá giang - kèo cầu” hai bên ngôi đình dành cho các cuộc thi hát ở phía trước. Đình chính được xây theo hình chữ công. Tiền đường 5 gian với 6 bộ vì được làm theo kiểu: “thượng chồng rường giá chiêng, hạ bẩy kẻ”. Gánh đỡ bộ mái tiền đường là 12 cột quân với 6 cột cái đặt trên chân tảng bằng đá. Trên các đầu bẩy, xà, con rường được chạm khắc hoạ tiết rồng, lá lật... tạo nên những nét chấm phá hoàn chỉnh của không gian bên trong. Điểm nổi bật, nghệ thuật tập trung sự chú ý nhất là những mảng chạm khắc phía ngoài 6 cây cột quân và 5 ô cửa tiền đường. Ở ô cửa giữa có chạm đôi rồng chầu khá lớn ở trung tâm; bao quanh có nhiều rồng con, nghê đang quấn quýt, mỗi con một tư thế. Thấp thoáng trong đao mác, lá hoa là hình tượng các con vật dân gian như nai, khỉ...; phần dưới cùng của ô cửa là họa tiết trúc hoa long, vân ám... Nối tiếp tiền đường là trung đường được xây dọc, tường chịu lực và chính tẩm 3 gian, bộ vì kiểu thượng mê hạ cốn. Tại đây những đường uốn lượn, những cụm vân mây, hoa lá cách điệu được điểm xuyết ở các góc, các đầu xà đã dung hòa sự đơn điệu của những đường ngang dọc trong kiến trúc. 
 
Đền An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực) thờ Nguyễn Tấn, một danh tướng thời Đinh, thế kỷ thứ X. Nguyễn Tấn là một trong những vị tướng phò tá, giúp sức cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Đền An Lá xây dựng theo hướng bắc, phía trước xây một bức bình phong cao 2m, rộng l,7m , trang trí họa tiết long mã khỏe đẹp. Hai bên cổng vào có 2 cột đồng trụ cao hơn 10m được xây gạch để mộc, mạch vữa rất đều và thẳng. Phía dưới cột, ở mặt trong đắp hai con hổ ngồi chầu; trên đỉnh là hai nụ sen cách điệu, nhìn xa như hai cây bút vây. Hai bên đông, tây của cổng chính có hai tòa lâu các hai tầng, xưa dùng làm nơi chấm giải thi cờ, thi hát... trong các dịp hội hè, lễ, tết. Tòa bái đường có 5 gian chính và 2 gian phụ, với 4 bộ vì kiểu chồng rường nằm trên 4 hàng cột. Tòa đệ nhị nằm cách tòa bái đường một khoảng sân hẹp, có 5 gian, dáng thấp. Tòa chính tẩm 3 gian, có 8 cột cái sơn son, vẽ hình long vân và 8 cột quân để mộc, với những chân tảng đá rất thấp. Xà nách sơn son, chạm rồng theo phong cách thời Nguyễn và họa tiết lá lật cách điệu. Chính tẩm có hệ thống cửa bức bàn màu nâu thảm, nền lát gạch vuông, hiên lát gạch thất. Cùng với bảo tồn, tôn tạo di tích, các lễ hội tại các điểm di tích thờ vua và các danh tướng thời Đinh được tổ chức theo hướng văn minh, tiết kiệm, trở thành nét sinh hoạt văn hoá tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương. Cứ đến tháng 3 âm lịch hằng năm, đền An Lá tổ chức lễ hội để tưởng nhớ và tri ân công đức đối với tướng quân Nguyễn Tấn. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ mồng 9 đến ngày 11 với những nghi lễ truyền thống như tế thần, rước kiệu được đông đảo nhân dân tham gia. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian phong phú như múa rồng, múa sư tử, chọi gà, leo cầu kiều, cờ người. Lễ hội đình Xám được tổ chức vào các ngày 17 và 19 tháng 8 âm lịch hằng năm. Hội Đình Xám ngoài những màn rước kiệu, tế lễ long trọng còn có các cuộc thi đấu vật, bắt vịt, chọi gà, múa rối nước, bơi chải... Trong những ngày hội sôi nổi đặc biệt nhất là những đêm biểu diễn trống chèo và thi hát. Ngoài hai đêm hát nhập tịch (vào đám) và lạc hành (giã đám), các cuộc thi hát tại đình Xám còn diễn ra hàng chục đêm với các tiết mục chầu văn, hát chèo, ca trù... nội dung ca ngợi công đức của Trần Minh Công. Ở Đền Vua Đinh, xã Yên Thắng (Ý Yên) mỗi năm, vào ngày kỵ của đức Vua (rằm tháng Tám âm lịch), nhân dân 2 thôn Tam Quang và Dương Hồi lại tổ chức lễ hội với phần lễ, phần hội phong phú, đặc sắc. Vào thời khắc giao thừa, sáng mùng một Tết âm lịch hằng năm, dân làng còn tổ chức lễ rước lửa với niềm tin mang lại may mắn, tốt lành cho năm mới…
 
Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa thờ vua và danh tướng thời Đinh với phân bố khá dày đặc ở tỉnh ta đã khẳng định Nam Định là căn cứ, bàn đạp để Đinh Bộ Lĩnh mở các cuộc tấn công tiêu diệt các lực lượng đối lập, hoàn thành sự nghiệp vẻ vang thống nhất đất nước. Việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn thờ vua và danh tướng thời Đinh trên địa bàn tỉnh đã phát huy giá trị giáo dục truyền thống trong các tầng lớp nhân dân, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước./.
 
Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com