Mỹ Lộc gìn giữ bản sắc văn hoá làng

07:12, 16/12/2016
Mỹ Lộc là vùng đất cổ. Trong quá trình đô thị hoá, xây dựng NTM, các địa phương trong huyện đều xác định: Để giữ “hồn quê Việt trong xây dựng NTM” thì phải giữ gìn những bản sắc văn hoá truyền thống như: cổng làng, giếng làng, cây cổ thụ, các di tích, lễ hội và các loại hình nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán... 
Nghi thức rước kiệu trong lễ hội Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc năm 2016.  Bài và ảnh: Khánh Dũng
Nghi thức rước kiệu trong lễ hội Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc năm 2016. 
Huyện Mỹ Lộc hiện còn lưu giữ nguồn di sản văn hóa phong phú với trên 200 di tích, trong đó có 7 di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, 19 di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Hầu hết các di tích được Nhà nước xếp hạng đều liên quan tới thời Trần (13 di tích); tiêu biểu là các di tích: Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố (xã Mỹ Phúc); Đình Cao Đài (xã Mỹ Thành); Đình Cả, Đình Phương Bông (xã Mỹ Trung)… Các di tích đều có giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo nên thu hút nhiều du khách tới chiêm bái, dâng hương. Cùng với những di sản văn hoá đình chùa, miếu mạo thì hệ thống cổng làng cổ trên địa bàn xã là sự ngưng kết của lối sống, phong tục tập quán của người dân nơi đây. Trên những con đường về các xã: Mỹ Thuận, Mỹ Thành, Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Hưng…, đến đâu cũng bắt gặp những cổng làng được xây dựng với nghệ thuật kiến trúc độc đáo mang dáng vẻ cổ kính đã thể hiện được cốt cách của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Về xã Mỹ Thắng, nhiều người ấn tượng bởi không gian làng quê với những cây đại thụ tỏa bóng xuống ao, hồ, giếng làng hay những ngôi đình làng cổ kính. Cảnh sắc làng quê và lễ hội đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng khách thập phương. Tại di tích đình, chùa làng Bườn hằng năm, nhân dân địa phương ba lần mở hội vào các ngày kỵ của Đàm Hoàng Thái hậu, Tướng quân Phùng Gia và Tướng quân Cao Mộc với các nghi thức rước nước, lễ cầu mát, rước kiệu và các trò chơi dân gian như: Thi xôi, thi lợn, múa sư tử, múa rồng, hợp xướng kèn đồng… Đình Cao Đài, xã Mỹ Thành thờ Thượng tướng Thái sư Chiêu minh vương Trần Quang Khải. Cứ 3 năm một lần, dân làng lại mở hội lớn vào các ngày kỵ của công chúa Phụng Dương (22-3 âm lịch). Lễ hội đình Cao Đài, ngoài các nghi thức tế lễ còn tái hiện lại các tích cổ như: tích “Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô”, tích “Quan huyện, quan trấn đốc thúc dân đi mở đường”, tục thổi cơm thi... Các tích trò đã phần nào tái hiện lại quang cảnh sinh hoạt của thái ấp xưa một thời phồn thịnh. Xã Mỹ Tân có di tích Đền Cây Quế được Bộ VH, TT và DL xếp hạng. Hằng năm, lễ hội Đền Cây Quế diễn ra vào ngày 22-8 âm lịch, với nhiều nghi thức phong phú, đặc biệt là nghi thức “rước nước” độc đáo đặc trưng của tín ngưỡng thờ thủy thần. Đoàn rước phụng nghinh bát nhang thờ Linh Lang Đại vương xuất phát từ Đền Cây Quế, về phà Tân Đệ, sau đó xuống thuyền ra ngã ba sông Hồng và sông Đào. Tại đây, đại diện người cao tuổi làng Phụ Long múc nước, rước trở lại đền và tiến hành nghi thức dâng hương. Lễ hội truyền thống Đền Cây Quế thể hiện ước vọng của người dân cầu cho “mưa thuận, gió hòa”. Ở xã Mỹ Phúc, quần thể di tích lịch sử - văn hoá thời Trần cùng với lễ hội Trần diễn ra vào dịp tháng 8 hằng năm là môi trường bảo tồn, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc. Trong các di tích thời Trần, đền Bảo Lộc xưa là khu thái ấp của An Sinh Vương Trần Liễu (thân phụ của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo), nay là nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và gia đình. Hằng năm, tại đền Bảo Lộc diễn ra nhiều lễ hội như Lễ Khai ấn (đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng), Trần Quốc Toản ra quân (24 tháng Giêng) và lễ hội Trần diễn ra từ ngày 10 đến 20-8 âm lịch. Đây là lễ hội lớn thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương. Ngoài việc tham quan, tìm hiểu ý nghĩa lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của di tích, du khách còn được thưởng thức một số trò chơi dân gian đặc sắc như: đấu vật, cờ người, chọi gà, tổ tôm điếm, hát chèo... Nét đẹp văn hoá làng quê ở Mỹ Phúc còn gắn liền với hệ thống giếng làng cổ kính ở khắp các thôn: Bồi Đông, Bồi Tây, Liễu Nha, Tam Đông, Tam Đoài như: giếng đất, giếng đá, giếng thùng, giếng tròn, giếng bán nguyệt, giếng giữa đồng... Hiện nay ở hầu hết các di tích lịch sử - văn hóa đình, đền, chùa trên địa bàn xã đều có ao làng hoặc giếng làng. Nước giếng ở đình La, Đền Bảo Lộc được sử dụng vào những ngày lễ trọng của làng. Trước ngày lấy nước, làng đóng nắp giếng để bảo vệ nguồn nước trong sạch, thanh tịnh. Giếng nước là nguồn tụ thủy, tụ phúc của cả làng nên ở nhiều thôn trong xã khi xây dựng hương ước đều có quy định phải coi trọng, giữ gìn giếng nước. Giếng nước đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn và đời sống của người dân nơi đây. Hội làng Đệ Nhất, xã Mỹ Trung được tổ chức hằng năm vào ngày sinh của Đức Thánh Cả Dũng Dược Đại Vương (15-4) tại di tích Đền Cả. Trong những ngày này, lệ làng đề ra: Bốn giáp (Đông, Bắc, Nam, Đoài) mỗi giáp phải chuẩn bị một con lợn. Lợn cúng tế phải nuôi riêng từ tháng 4 năm trước đến tháng 4 năm sau, thức ăn sạch sẽ, chuồng trại thoáng mát, do đàn ông cho ăn. Đến hội, các giáp đóng cũi có trang trí đẹp đưa lợn ra thi. Sau khi chấm thi, lợn được ngả thịt để cúng Thánh. Trong hội, ngoài việc tế lễ còn có nhiều trò chơi dân gian như: kéo co, đấu vật, leo cầu kiều, bắt vịt, thi hát văn… Đình Phương Bông thờ tướng Dũng Dược Đại Vương, Chiêu minh Đại vương Trần Quang Khải và Phụng Dương Công chúa. Ngôi đình còn lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hóa làng quê truyền thống của nhân dân trong các kỳ lễ hội như: Lễ hội tháng 3, lễ hội tháng 8, lễ hội tháng 11 (âm lịch)… Đặc biệt, trong ngày hội làng Phương Bông có biểu diễn nghệ thuật múa bài bông - một sinh hoạt văn hóa dân gian gắn với nhà Trần và các nhân vật thời Trần đang được khôi phục lại… Ở huyện Mỹ Lộc ngoài giá trị văn hoá tín ngưỡng, bản sắc văn hoá làng quê truyền thống còn được thể hiện sâu sắc qua các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. Trong đó, sôi nổi và náo nhiệt nhất là nghệ thuật múa tứ linh. Hiện nay ở xã Mỹ Hưng có 2 đội múa rồng; xã Mỹ Thắng có 3 đội múa lân - sư - rồng; xã Mỹ Phúc có 1 đội múa rồng; xã Mỹ Hà có 1 đội múa sư tử… Các cụ cao niên cho biết: Nghệ thuật múa tứ linh truyền thống nơi đây có từ hơn 100 năm trước, trải qua một thời gian dài trầm lắng nghệ thuật múa tứ linh đang dần được khôi phục. Các đội múa lân - sư - rồng ở các xã thường có từ 15-25 người dày dặn kinh nghiệm. Vào ngày đầu năm mới, lễ Phật đản, lễ hội Đền Trần và các lễ hội ở các di tích lịch sử - văn hóa đều có sự “góp mặt” của các đội múa tứ linh. Ngoài ra, về Mỹ Lộc dự lễ hội, du khách không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu lộc, cầu phúc, cầu may, tham gia các nghi lễ tế, lễ rước mà còn được đắm mình cùng các bộ môn nghệ thuật dân ca, dân vũ độc đáo. Toàn huyện có 3 làng chèo nức tiếng gần xa là: làng Đặng (Mỹ Hưng), làng Quang Sán, (Mỹ Hà), làng Nhân Nhuế, (Mỹ Thuận) và 1 CLB hát văn (Mỹ Trung). Các CLB đều hoạt động sôi nổi và hiệu quả với nhiều thành viên chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm vừa hát vừa phối hợp sử dụng các nhạc cụ: đàn, trống, sáo, nhị. Các giai điệu được soạn lời mới có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, cổ vũ khối đoàn kết toàn dân chung sức, đồng lòng đứng lên đánh giặc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
 
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, bản sắc văn hoá làng quê ở Mỹ Lộc vẫn luôn giữ được hồn Việt mộc mạc, thuần nhất, hiện đang được các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân bảo tồn và phát huy, tạo thành sức mạnh nội lực to lớn để người dân nơi đây thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, tạo bước phát triển về kinh tế - xã hội./.
 
Bài và ảnh:  Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com