Nga xác lập ảnh hưởng ngày một lớn trên thị trường năng lượng châu Âu

08:10, 14/10/2021

Tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) sẽ đóng vai trò ngày một lớn trong gia tăng ảnh hưởng năng lượng của Nga ở châu Âu.

Khi châu Âu đối diện với tình cảnh thiếu hụt năng lượng trầm trọng, Nga đã không tăng sản lượng cung cấp khí đốt cho khu vực này. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một hình thức “tống tiền năng lượng”.

Trong nhiều năm, Mỹ phản đối quyết liệt việc xây dựng, khai trương tuyến đường ống Nord Stream 2 - hành lang vận chuyển khí đốt từ Nga chạy ngầm dưới biển Baltic và đấu nối trực tiếp với Đức, mở sang nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Dự án trị giá 11 tỉ USD này đã hoàn tất phần xây dựng, nhưng chưa đi vào vận hành bởi những trở ngại liên quan đến tranh cãi về bản chất của tuyến đường ống.

Những người ủng hộ cho rằng Nord Stream 2 là cần thiết đối với nguồn cung năng lượng của châu Âu, thể hiện rõ nhất là trong tình cảnh thiếu hụt năng lượng hiện nay. Số phản đối, đứng đầu là Mỹ, lại cho rằng tuyến đường ống không chỉ làm gia tăng sự lệ thuộc của châu Âu vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, mà còn hủy hoại an ninh năng lượng của EU khi khu vực này ngày một lệ thuộc vào Nga, tạo cho Moskva có được quyền lực địa chính trị đặc biệt lớn.

Với Mỹ, phản đối Nord Stream 2 là điểm chung dưới thời chính quyền Barack Obama và Donald Trump. Ông Joe Biden khi mới lên nắm quyền cũng theo đuổi cách tiếp cận này, đe dọa cấm vận các công ty, thực thể có liên quan đến hoạt động xây dựng, cấp phép, bảo trì, bảo lãnh cho dự án. Nhưng đến tháng 5-2021, Mỹ quyết định thoái lui, áp dụng miễn trừ trừng phạt để đổi lấy đà cải thiện trong quan hệ song phương Mỹ - Đức. Dự án đã hoàn tất, nhưng chưa được chính phủ Đức cấp phép để đi vào hoạt động.

Giờ là lúc Nga có sức mạnh lớn nhất để mặc cả, gây sức ép với Đức trong phê duyệt cấp phép hoạt động và tăng ảnh hưởng địa chính trị của Moskva ở châu Âu. Khi kinh tế EU phục hồi trở lại sau khi lệnh đóng cửa được dỡ bỏ, người dân dần trở lại cuộc sống thời tiền đại dịch, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng vọt, vượt xa nguồn cung, tạo ra căng thẳng cung cầu, đẩy giá khí đốt liên tục thiết lập mức đỉnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 50% và tình hình có thể còn tồi tệ hơn khi khu vực Bắc Bán cầu chuẩn bị bước vào mùa đông, kèm theo nhu cầu sưởi ấm tăng vọt.

Mọi diễn biến đương nhiên đều có lợi cho Nga, nước hiện đang cung cấp gần 50% nhu cầu khí đốt cho EU và có điều kiện để khẳng định độc quyền trong mặt hàng này ở thị trường châu Âu. Tại thời điểm EU đối diện với thiếu hụt nguồn cung năng lượng trầm trọng, nhưng Moska không tăng sản lượng cung ứng, một động thái được giới chuyên gia coi là “tống tiền năng lượng” với mục tiêu buộc Đức phải sớm bật đèn xanh để Nord Stream 2 chính thức đi vào vận hành.

Trong diễn biến mới nhất, Điện Kremlin tuyên bố đồng ý tăng sản lượng khí đốt cấp cho EU. Tổng thống Vladimir Putin ngày 6-10 cho biết Nga sẽ giúp ổn định nguồn cung và giá khí đốt tại châu Âu, một động thái ngay lập tức giúp giá khí đốt quay đầu giảm. Nhưng nó cũng khiến giới phân tích trong ngành năng lượng cảnh báo rằng châu Âu hơn lúc nào hết đang ở thế dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng năng lượng của Nga.

Theo Timothy Ash, chuyên gia cao cấp về các thị trường đang nổi tại công ty quản lý quỹ Blubay Asset, châu Âu đã tự đưa mình trở thành con tin của Nga trong nguồn cung năng lượng. “Rõ ràng Nga đã khóa chặt châu Âu về năng lượng. Châu Âu không thể lớn tiếng phản đối và có hành động để thoát ra. Châu Âu đang lo sợ khi mùa đông đến gần cùng với đó là khả năng Nga sẽ quản lý chặt nguồn cung ứng, đến khi nào Nord Stream 2 được cấp phép”, ông Ash nêu quan điểm.

Phụ thuộc ngày một lớn vào Nga về năng lượng không chỉ tiềm ẩn nguy cơ địa chính trị, mà nó còn đe dọa lớn đến mục tiêu chống biến đổi khí hậu của châu Âu, khi nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch tại khu vực tăng mạnh. Không chỉ hướng đến nguồn khí đốt từ Moskva, EU cũng tìm cách tích trữ nguồn than đá cho mùa đông.

Trung Quốc và Ấn Độ cũng phải đối mặt với căng thẳng cung cầu năng lượng. Nhu cầu tiêu thụ điện tăng buộc Trung Quốc phải tiến hành cắt điện, tìm kiếm nguồn cung than đá “bằng mọi giá”, đẩy giá mặt hàng này tăng phi mã ngay tại thời điểm thế giới cần giảm, tiến đến loại trừ nguồn điện năng từ đốt than đá.

Suy cho cùng, thiếu hụt năng lượng trên toàn cầu cho thấy một thực tế: Thế giới vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong giải đáp bài toán an ninh năng lượng. Điều này sẽ tạo ưu thế cho những cường quốc về năng lượng như Nga trong xác lập, triển khai tính toán địa chính trị./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com