Chuyện những người trẻ làm giàu

09:01, 24/01/2011

Những năm qua, trong phong trào “tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp” của tỉnh xuất hiện nhiều gương thanh niên vượt khó làm giàu trên các lĩnh vực. Không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, nhiều thanh niên còn góp phần tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn.

 

Doanh nhân trẻ Vũ Văn Thự, giám đốc Cty TNHH Cao Nguyên, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) trong cơ sở sản xuất thiết bị, phụ tùng cơ khí.
Doanh nhân trẻ Vũ Văn Thự, giám đốc Cty TNHH Cao Nguyên, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) trong cơ sở sản xuất thiết bị, phụ tùng cơ khí.

Từ người làm thuê trở thành giám đốc doanh nghiệp

Sinh ra ở làng nghề cơ khí Đồng Côi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) nhưng gia đình Vũ Văn Thự vẫn nghèo. Nhà đông con, bố lại thường xuyên ốm đau nên học hết lớp 5, anh đã phải nghỉ học, lớn hơn một chút thì đi làm thuê cho các gia đình trong làng. Sau mấy năm, dù rất chăm chỉ và khéo léo nhưng tiền công anh nhận được không đủ giúp hoàn cảnh gia đình bớt khó khăn. Năm 1997, ở tuổi 17, trong một phút “nông nổi”, anh Thự giấu gia đình, theo một anh bạn người làng bắt ô tô vào tỉnh Lâm Đồng vì “nghe nói” ở các rẫy cà-phê chẳng thiếu việc để làm. Thời điểm anh đến Lâm Đồng, cả vùng Tây Nguyên đang vào mùa khô hạn, cà-phê, tiêu, điều đang sắp chết khô vì thiếu nước. Vì vậy, việc anh được thuê làm đầu tiên là phụ trách mấy cái máy bơm nước, sau đó là đủ thứ việc chăm sóc, thu hái cà-phê. Sau hai năm làm thuê, lần đầu tiên anh được sở hữu một khối tài sản nhỏ. Đó là vào lúc cà-phê mất giá, người dân địa phương bán đổ bán tháo vườn, rẫy, anh bỏ ra 3 triệu đồng tiền tích cóp trong 2 năm làm thuê mua được một mảnh rẫy cà-phê  rộng 350m2. Sáu tháng sau, anh bán lại mảnh rẫy ấy được 12 triệu đồng. Gom góp thêm, anh mua được mảnh rẫy rộng 1.000m2, dựng nhà ở tạm, thôi làm thuê, bắt đầu “vật lộn” với rẫy cà-phê của mình. Nhưng mấy năm sau cây cà-phê ở Tây Nguyên vẫn chưa thoát cảnh lao đao. Năm 1999 anh bán rẫy, khi đó được 24 triệu đồng trở về quê, dùng số tiền đó mua ba chiếc máy đột dập cùng một số thiết bị khác, thuê thêm một số nhân công, bắt đầu “khởi nghiệp” bằng chính nghề sản xuất hàng cơ khí truyền thống của làng. Anh dành thời gian đi khắp các tỉnh thành để tìm hiểu nhu cầu của thị trường. Anh đã thuyết phục được nhiều doanh nghiệp lắp ráp xe máy, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn như Lifan Việt Nam, Detech… đồng ý sử dụng sản phẩm phụ kiện của mình. Làm ăn có lãi, anh đầu tư mua sắm thêm máy móc, thiết bị, thuê thêm nhân công, nhà xưởng mở rộng quy mô sản xuất. Nhận thấy ngành viễn thông đang phát triển từng ngày, nhu cầu về cơ sở vật chất của ngành rất lớn, nhiều doanh nghiệp trong ngành rất cần có các cơ sở sản xuất vệ tinh cung cấp phụ kiện, anh đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị công nghệ cao để mở rộng sản xuất thêm sản phẩm phụ kiện viễn thông như mã lý, kẹp cáp, tăng đơ…, trở thành cơ sở cung cấp phụ kiện thường xuyên cho hai Cty M1, 199 thuộc Bộ Quốc phòng và một số doanh nghiệp khác. Ngày 26-12-2006, Cty TNHH Cao Nguyên do anh làm giám đốc chính thức đi vào hoạt động. Sau 4 năm hoạt động, đến nay Cty có trên 40 lao động, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đang là đối tác cung cấp sản phẩm cho hàng chục doanh nghiệp lớn của Nhà nước, của quân đội và hơn 200 đại lý trải dài khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mới đây, được Ngân hàng NN và PTNT huyện Nam Trực cho vay 750 triệu đồng, cùng với 3.000m2 đất trong CCN Đồng Côi, Cty Cao Nguyên có đủ điều kiện xây dựng cơ sở sản xuất tập trung. Anh Thự cho biết, việc quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương là động lực giúp anh nỗ lực hơn nữa trên bước đường làm giàu chính đáng. Anh đã thu xếp thời gian để theo một khoá học về quản lý kinh tế vì theo anh, để doanh nghiệp phát triển bền vững, người làm kinh tế phải được học hành, đào tạo bài bản…

Kỳ vọng sức trẻ

Tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tham gia phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để hiện thực hoá chủ trương này, những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể, thiết thực hỗ trợ, tạo điều kiện để mọi người có thể làm giàu chính đáng. Trong đó các chính sách về đất đai, tín dụng ưu đãi, mở cửa thông thương, hội nhập cùng với sự tập trung đầu tư phát triển toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng đang ngày một phát huy hiệu quả. Trong phong trào phát triển kinh tế chung của toàn xã hội, trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành một lớp thanh niên mới, có khát vọng và có năng lực làm giàu. Hoàn cảnh xuất thân khác nhau, người là con em làng nghề quen cầm kìm, cầm búa, người là con em nông dân, quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn, cá tôm, nhiều người may mắn hơn được học hành, đào tạo bài bản ngay từ đầu nhưng họ có một điểm chung đó là tuổi đời còn rất trẻ, có hoài bão năng động, dám nghĩ, dám làm, biết khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, của gia đình và của bản thân, biết tranh thủ những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước để làm giàu chính đáng. Lĩnh vực, ngành nghề phát triển kinh tế của những người trẻ khá đa dạng, từ đóng tàu, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ khí dân dụng, gỗ mỹ nghệ, kinh doanh vận tải thuỷ, may mặc, sản xuất, chăn nuôi theo mô hình trang trại… Nhiều người trở thành giám đốc doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ trang trại quy mô lớn khi tuổi đời còn rất trẻ. Anh Phạm Duy Đương ở xã Hiển Khánh (Vụ Bản) mới 27 tuổi nhưng đã là chủ trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn, hiện đại theo quy trình GAHP (an toàn sinh học). Hiện tại, trang trại của anh Đương có 12.000 con gà thịt và gà đẻ trứng. Với 4 lứa/năm, mỗi năm trang trại của anh cung cấp cho thị trường 90 tấn thịt gà sạch, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từng tốt nghiệp đại học nhưng vừa ra trường anh Đương đã về quê thực hiện ước mơ làm giàu ngay chính nơi mình đã sinh ra. Ước mơ ấy được “chắp cánh” khi anh được chính quyền địa phương tin tưởng cho thuê gần 18.000m2 đất, một số ngân hàng cho vay vốn, nhờ vậy anh có điều kiện đầu tư một trang trại quy mô lớn, hiện đại, làm ăn hiệu quả như hiện nay. Ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Trần Văn Duy, người vừa được biểu dương tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ 5 mới đây cũng rất thành công trên bước đường vượt khó làm giàu khi biến 3ha bãi bồi ven sông Đáy thành một trang trại nuôi thuỷ sản lớn với thương hiệu sản phẩm cá chuối sạch đang được thị trường ưa chuộng. Không đầu hàng căn bệnh vôi hoá cột sống, căn bệnh khiến giấc mơ tốt nghiệp đại học phải dở dang, Nguyễn Văn Dũng, một thanh niên ở thị trấn Yên Định (Hải Hậu) đang hiện thực hoá giấc mơ làm giàu bằng nghề trồng hoa lan, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm… Không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, những chủ doanh nghiệp trẻ còn góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, đặc biệt là việc giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có rất đông lao động ở khu vực nông thôn. Đến nay, ở một số địa phương trong tỉnh đã thành lập được các Hội Doanh nghiệp trẻ, trong đó Hội Doanh nghiệp trẻ của các huyện Xuân Trường, Nam Trực mỗi hội có trên dưới 30 hội viên. Ngoài mục đích đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển, thời gian qua các Hội Doanh nghiệp trẻ trong tỉnh còn có nhiều hoạt động xã hội thiết thực như quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa tặng người nghèo, trao học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó…

Dân giàu, nước mạnh, mục tiêu ấy đang được hiện thực hoá bằng sự nỗ lực, chung sức của thế hệ tuổi trẻ tỉnh nhà hôm nay!

Bài và ảnh: Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com