Về với biển
.

Về với biển

07:36, 18/08/2023

Tỉnh Nam Định có 72km bờ biển kéo dài từ cửa Ba Lạt (sông Hồng) đến cửa Đáy (sông Đáy) với những bãi biển thoải, dài, cát mịn nằm kề bên những hàng phi lao xanh biếc, nguồn lợi thủy, hải sản dồi dào, các sản phẩm đặc trưng vùng miền phong phú. Đó là tiềm năng, lợi thế để khai thác, xây dựng thành các khu du lịch biển hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu) là một trong những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn để tắm biển, nghỉ dưỡng vào dịp hè. Về biển Thịnh Long, bạn sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên thơ mộng ngập tràn nắng gió, ngắm bình minh ló rạng trên mặt biển, thưởng thức những hải sản tươi ngon với giá cả cực kỳ hợp lý. Tại khu du lịch này, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng đang từng bước được xây dựng khá đồng bộ, từ năm 2018, UBND thị trấn Thịnh Long đã thành lập hợp tác xã xe điện du lịch với hơn 40 ô tô điện đưa du khách đi tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, nhà thờ, mua sắm quà lưu niệm ở các chợ quanh thị trấn.

 

Du khách vui chơi trên bãi biển Thịnh Long (Hải Hậu).

 

Chị Dương Thúy Hằng, cán bộ Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh cho biết: “Năm nào, tôi cũng cho bọn trẻ về trải nghiệm ở biển Thịnh Long. Trên bờ cát mênh mông trải dài mịn màng trong nắng sớm, các bạn nhỏ tha hồ chạy nhảy, bắt dã tràng, nhặt vỏ ốc. Với một tour tham quan bằng xe điện chỉ hết 150 nghìn đồng, du khách được đi vòng quanh thị trấn mát lộng gió biển, thăm Chùa Linh Ứng, nhà thờ đá giáo xứ Thịnh Long, thăm cảng cá, tận mắt xem ngư dân bốc xếp các loại tôm, cá sau chuyến đi biển trở về”.

 

 

Về với biển, hãy một lần chạy xe dọc con đê biển huyện Hải Hậu từ xã Hải Đông, vòng qua Hải Chính, ngắm bãi đá xếp rất “chill” được giới trẻ đặc biệt yêu thích, tìm đến check-in. Cách đó không xa là nhà thờ đổ Hải Lý với nét đẹp hoang sơ, lối kiến trúc độc đáo, trang trí họa tiết theo phong cách châu Âu tinh xảo. Nhà thờ đổ Hải Lý có tên gọi chính là nhà thờ họ Trái tim Chúa được xây dựng lần đầu từ năm 1877, xưa kia thuộc làng chài Xương Điền. Sau nhiều lần bị biển xâm thực, phải di chuyển vào sâu phía trong đất liền và được xây dựng lại lần 2, lần 3, đặc biệt là trải qua cơn bão số 7 (năm 2005) với sức tàn phá khủng khiếp, nhà thờ họ Trái tim Chúa vẫn giữ được tháp chuông, nền và một phần tường phía Bắc như dấu tích còn sót lại hiện nay.

 

Tàu thuyền tránh trú thiên tai tại âu tàu Quần Vinh (Nghĩa Hưng).

 

Quanh khu vực nhà thờ đổ, mỗi sáng sớm là khung cảnh nhộn nhịp khi thuyền đánh cá trở về, là vẻ đẹp mộc mạc nên thơ của thảm hoa muống biển tím ngắt chạy dài ra mép sóng, là hương vị mặn mòi của những phên tre phơi cá mai khô thơm trong cái nắng sánh vàng mật ngọt. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ níu chân du khách.

 

Về với biển, đừng quên ghé chợ cá Giao Hải (Giao Thủy) đều đặn họp 2 phiên/ngày theo giờ những con thuyền đánh bắt hải sản trở về, chứng kiến không khí bán mua tấp nập. Được đến thăm cánh đồng muối Bạch Long, một trong các cánh đồng muối rộng lớn nhất miền Bắc với khoảng 1.000 hộ dân tham gia nghề làm muối. Trực tiếp trải nghiệm nghề làm muối dưới cái nắng hè oi ả, gay gắt để thấu hiểu những nhọc nhằn, vất vả của người diêm dân cần cù, chất phác cũng là một kỷ niệm thật khó quên.

 

Một góc Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy).

 

Về với biển, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình của Vườn quốc gia Xuân Thủy - vùng đất ngập nước cửa sông Hồng đổ ra Biển Đông với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi dừng chân của các loài chim di trú nằm ở huyện Giao Thủy. Vườn quốc gia Xuân Thủy đã được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, bởi các giá trị nổi bật về địa hình và hệ sinh thái của Vườn quốc gia này đặc biệt hơn các nơi khác trong cả nước và trong khu vực Đông Nam Á.

 

Cảng cá Thịnh Long (Hải Hậu).

 

 Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo, đạt được ba điều nhất đó là “Đa dạng sinh học cao nhất, năng suất sinh học lớn nhất và cũng là hệ sinh thái nhạy cảm nhất”. Quanh khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy, người dân đã tạo lập sinh kế bền vững từ nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, nuôi ong lấy mật. Cứ vào đầu tháng 4 đến cuối tháng 7 hàng năm, các chủ thể nuôi ong di chuyển đàn ong của mình đến sát bìa rừng ngập mặn để thuận tiện cho việc khai thác mật. Đặc biệt, từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7 là thời điểm hoa vẹt nở rộ nhất, mang lại trữ lượng mật ong lớn từ nguồn hoa tự nhiên. Đến đây vào dịp này, du khách sẽ được người nuôi ong hiếu khách cho nếm thử miếng mật còn nguyên sáp màu vàng mơ, vị ngọt thanh, mang hương thơm đặc trưng của loài hoa sú, vẹt.

 

Diêm dân Bạch Long làm muối theo phương pháp truyền thống.

 

Các khu du lịch biển của tỉnh đang được kết nối với các khu di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng, hình thành nên các tour du lịch tổng hợp, đáp ứng nhu cầu của du khách. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển du lịch của Trung ương và các nguồn vốn khác của địa phương, diện mạo các khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm từng bước thay đổi. Khu vực bãi biển Rạng Đông (Nghĩa Hưng) cũng đang được đầu tư kết cấu hạ tầng để hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tắm biển nằm trong quy hoạch phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ. Hy vọng, trong tương lai không xa, các giá trị tài nguyên du lịch biển sẽ được khai thác, phát triển một cách bền vững, tương xứng với tiềm năng, đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Xuân Thu - Lam Hồng
Trình bày: Trường Vinh

Ngày xuất bản: 18-8-2023

 

 



Xem thêm bình luận