Mỹ Hưng gìn giữ văn hóa truyền thống

08:08, 26/08/2016
Xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Đó là các di tích lịch sử văn hóa, những phong tục tập quán, lễ hội, những làn điệu dân ca, dân vũ, các nghề thủ công truyền thống… 
Đình Miếu Thượng, xã Mỹ Hưng được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Đình Miếu Thượng, xã Mỹ Hưng được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Trên địa bàn xã có 10 di tích, trong đó Miếu Thượng được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh (năm 2005). Miếu thờ 5 vị công chúa: Quỳnh Phi (sắc phong thời Lê Hiển Tông, 1740-1786), Thục Dương (con gái Đức kế Đại Vương Đặng Tất thời Hậu Trần, 1413), Trần A (con gái trưởng của Đức liên Đại Vương Đặng Dung, Vương Ba (Hoàng hậu Vua Lê Chiêu Thống), Đường Cao (sắc phong thời Vua Duy Tân năm thứ 3, 1909). Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Miếu Thượng là căn cứ cách mạng quan trọng. Năm 1948, Ban cán sự huyện Mỹ Lộc tổ chức cuộc họp Mặt trận Việt Minh bí mật ở Miếu Thượng để bàn biện pháp phá tề, trừ gian. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Miếu Thượng là nơi nhà máy dệt B12 duy trì sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam. Trải qua thời gian, với ý thức gìn giữ di sản văn hóa, nhân dân làng Thượng vẫn gìn giữ, tôn tạo Miếu Thượng. Từ năm 1987 đến nay, Miếu Thượng được trùng tu phần hiên tiền đường, lợp mái, xây nhà khách, tu bổ khuôn viên và làm đường bê tông vào ngõ miếu với kinh phí hàng tỷ đồng từ nguồn công đức của nhân dân. Gắn với các di tích ở các làng là lễ hội và mỹ tục dân gian truyền thống. Ở làng Thượng, ngoài lễ hội 3 năm tổ chức một lần vào ngày 10-3 âm lịch, tại đình và miếu làng còn duy trì lễ đón giao thừa, tục yến lão, lễ vào hè (2-4 âm lịch), lễ ông Công, ông Táo… Trong phần hội có diễn chèo, múa rồng, vật võ. Hiện nay ở xã Mỹ Hưng còn duy trì nhiều loại hình nghệ thuật dân gian. Ở làng Thượng, nghệ thuật múa rồng đã có truyền thống trên 100 năm. Cụ Đặng Văn Khịnh (74 tuổi) từng là đội trưởng đội rồng làng Thượng cho biết, từ khi 5-6 tuổi, cụ đã được đi xem đội rồng biểu diễn ở lễ hội làng. Năm 1954, đội rồng có gần 40 thành viên, trong đó cụ Đặng Minh Kích là người múa rồng điêu luyện, cụ Đặng Minh Gốc là “tay trống” có tiếng, được nhiều người mến phục. Điểm đặc biệt là đầu rồng qua các thời kỳ đều được các “nghệ nhân” trong làng dày công sáng tạo. Thời kỳ đầu, cụ Quản Sang và cụ Đặng Minh Kích tạo đầu rồng với bộ khung bằng mây, bên ngoài được làm bằng giấy dính nhựa cây cậy và nhựa hồng, sau đó phủ lớp sơn ta vẽ đủ màu sặc sỡ. Hình dáng đầu rồng do hai cụ thiết kế có đặc điểm của rồng thời Nguyễn như đầu to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau, sư tử miệng há lộ răng nanh… Trải qua thời gian, đầu rồng cũ được lưu giữ ở đình làng Thượng. Đầu rồng mới kế thừa hình dáng đầu rồng của các vị tiền nhân và được sáng tạo thêm một số tiểu tiết như trang trí hệ thống đèn điện ở đôi mắt, thân rồng có các lồng đựng nến để rồng rực sáng khi biểu diễn buổi tối. Hiện nay, đội múa rồng làng Thượng có trên 30 thành viên, thường xuyên tổ chức biểu diễn ở các dịp Tết Trung thu, lễ Phật Đản, Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán và dịp mừng thọ các cụ cao tuổi. Là vùng quê có truyền thống võ vật nên các thành viên trong đội thực hiện được nhiều điệu múa khó như “Rồng phun lửa”, “Rồng chầu” và “Múa dưới nước”. Khi biểu diễn buổi tối, đội múa rồng làng Thượng còn thể hiện các tuyệt kỹ như: thắp nến thân rồng rồi múa làm cho rồng lung linh, huyền ảo; ban ngày người cầm gậy ngọc dẫn lộ để rồng đuổi theo thì buổi tối cây gậy ngọc được thay bằng bó đuốc sáng để múa lửa… Tại NVH xóm 2 (làng Thượng), vào tối cuối tuần, các thành viên CLB chèo làng Thượng lại say mê tập luyện biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con trong xóm. Cụ Đặng Mạnh Yêu (82 tuổi) là người cao tuổi nhất CLB, đã có hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật hát chèo làng Đặng cho biết: Ngày trước cụ tham gia gánh chèo làng Đặng, đi khắp các thôn, xóm và ra cả các tỉnh Thái Bình, Hoà Bình biểu diễn. Những vở chèo cổ lưu dấu tên tuổi của gánh chèo làng Đặng trong trí nhớ của người dân như: “Trương Viên”, “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình - Dương Lễ”... Một số vở chèo trong các thời kỳ kháng chiến được cải biên lời dựa trên làn điệu cổ cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước ở từng thời kỳ để động viên tinh thần nhân dân, chiến sĩ như: “Trên nương dâu”, “Nồi cơm ai nấu”, “Đường về trận địa”, “Tiễn anh lên đường”. Hiện nay, cụ vẫn cùng những thành viên trong CLB nỗ lực duy trì hoạt động CLB. Những tiết mục như: “Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ” (hát sử nữ) và các làn điệu chèo như: “Tình quê hương”, “Thành phố tên vàng”, “Đất nước tươi đẹp”, “Ơn Đảng”... như thôi thúc niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào Đảng, Bác Hồ kính yêu, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân cùng chung tay xây dựng thôn, xóm giàu đẹp. Xã Mỹ Hưng trước kia nổi tiếng về phát triển các ngành nghề đa dạng. Làng Vạn Đồn đan rổ rá, quạt nan; làng Vào đan thúng và nón lá; làng Gôi đan lẵng và giành đựng ấm tích; làng Giáng đan sọt; làng Thượng, Hạ sản xuất thước kẻ, đũa son… Hiện nay, nghề đan lát ở làng Gôi, làng Vạn Đồn vẫn duy trì và phát triển. Để làm những giành đựng ấm tích chuẩn, người thợ làng Gôi cẩn thận chọn những cây nứa già, đanh với những dóng thẳng tắp để pha nan, xong thì bó lại và dùng chân để chà sát nứa. Mỗi bó nan mất khoảng 1 giờ chà sát liên tục mới nhẵn, sẵn sàng để đan. Việc tạo hình giành tích ở làng gọi là đan công. Giành tích phải bắt đầu đan từ đáy. Muốn đan được đáy tích, người thợ đặt một cái ca và khoáy vành đáy tích. Làm xong được đáy tích thì “bẻ hình” giành tích, tiếp tục đan dần lên miệng tích, sau đó cạp miệng. Để cạp miệng giành phải dùng sợi dây nhựa “nức” miệng. Theo các cụ cao niên ở làng, một giành tích đạt chuẩn sẽ có kích thước đáy 15 phân, giữa thân tích 28 phân, miệng 22 phân. Hiện nay, sản phẩm do làng Gôi sản xuất qua các công đoạn gia công hoàn thiện trở lên đa dạng mẫu mã, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra các nước. 
 
Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Hưng đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, xã có 9/10 thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, 80% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Xã Mỹ Hưng đang khởi sắc trong thời kỳ mới nhưng không mất đi những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống. Đó là sức mạnh nội lực để người dân nơi đây tạo ra bước phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trong thời kỳ mở cửa, hội nhập./.
 
Bài và ảnh: Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com