Gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may (kỳ 2)

08:09, 20/09/2016

[links()]

(Tiếp theo và hết)

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may

Khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVAFTA) có hiệu lực sẽ giảm thiểu những khó khăn trên của ngành dệt may, cơ hội mới sẽ mở ra đầy triển vọng. Tuy nhiên để vượt qua thời kỳ “quá độ” này cần một liệu pháp đồng bộ cho doanh nghiệp dệt may từ cơ chế chính sách đến cơ cấu doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh để đứng vững trên thị trường.

Gia công quần áo bơi cho nhãn hàng GAP tại Cty CP May Nam Hà (TP Nam Định).
Gia công quần áo bơi cho nhãn hàng GAP tại Cty CP May Nam Hà (TP Nam Định).

Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cũng như thu hút đơn hàng và tận dụng một số lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, ngành Công thương khuyến khích các doanh nghiệp dệt may phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng nhiều biện pháp. Trước mắt doanh nghiệp phải biến khó khăn thành cơ hội, tranh thủ tình trạng hiện nay để cơ cấu lại doanh nghiệp và chất lượng chuỗi liên kết sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may; chủ động nguồn nguyên liệu; phát triển công nghiệp phụ trợ; chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu sản xuất những đơn hàng khó. Từng bước chuyển dần từ gia công sang hình thức FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) và giảm xuất khẩu qua khâu trung gian để hạn chế rủi ro và tăng lợi nhuận. Cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ cần cơ cấu lại tổ chức doanh nghiệp theo hướng liên kết với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tự tìm được bạn hàng, chủ động được nhân lực quản trị doanh nghiệp và lao động; chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu chuyên nghiệp của khối doanh nghiệp gia công, hạn chế việc phải nhận gia công lại qua trung gian hoặc có đơn hàng mới lập xưởng, tuyển dụng công nhân. Áp dụng các biện pháp hỗ trợ tăng năng suất lao động; tiết kiệm tối đa chi phí; cải tạo môi trường lao động thân thiện với môi trường, giảm tiêu hao năng lượng, tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời, nhiệt năng và cả nước mưa phục vụ quá trình sản xuất, sinh hoạt của công nhân. Nhóm các doanh nghiệp đã có thương hiệu uy tín chủ động tìm kiếm thị trường mới, thị trường ngách để phát triển đa dạng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ và EU như hiện nay. Từng bước chuyển dần từ gia công sang các mô hình tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, đặc biệt là làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự chào hàng, cung ứng sản phẩm ở cả thị trường xuất khẩu và tiêu thụ  nội địa. Phấn đấu tăng năng suất và đảm bảo quy tắc “xuất xứ từ xơ sợi trở đi” phù hợp quy định của TPP và “từ vải trở đi” theo quy định của FTA Việt Nam - EU. Những giải pháp này đã được chứng minh hiệu quả tại một số doanh nghiệp dệt may trong tỉnh sớm nhận thấy khó khăn của thị trường và chủ động áp dụng hệ thống công cụ quản lý chất lượng tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tại Cty CP May Nam Hà, toàn thể cán bộ, công nhân viên trong Cty kiên trì xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để đạt được giá trị cốt lõi là “sự hài lòng của khách hàng” khi hợp tác với Cty xây dựng được văn hóa doanh nghiệp chiều sâu giúp tạo mối quan hệ thân thiện, tôn trọng khách hàng. Do đó mặc dù chỉ là một doanh nghiệp nhỏ với hơn 600 công nhân nhưng Cty đã trở thành doanh nghiệp chuyên gia công đồ bơi có uy tín của những tập đoàn lớn trên thế giới như: Target, GAP Inc, Kohl’s, Costco, Sears Hollding, Perry Ellis, JC Penney, Columbia, Avenue, Roxy, Quiksilver, K’Mart… 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của Cty đã đạt trên 60 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Để đạt được kết quả này, đồng chí Đoàn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty cho biết: Ưu điểm cạnh tranh của Cty là đầu tư thật chuyên nghiệp, gia công thật giỏi một dòng sản phẩm để tạo sự khác biệt đối với các bạn hàng trên thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc khi khách hàng có nhu cầu về dòng sản phẩm này, nhất định sẽ tìm đến Cty. Cty CP Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy thuộc lớp “đàn em” trong ngành dệt may ở tỉnh ta nhưng sau hơn 5 năm xây dựng với mục tiêu nâng cao nguồn lực quản trị, tập trung đào tạo đội ngũ người lao động chuyên nghiệp, sáng tạo và trách nhiệm trong công việc để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Theo lãnh đạo Cty, công tác đào tạo phải gắn kết lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động; chú trọng hơn việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường, đội ngũ thiết kế, sản xuất, tạo bước đột phá trong chiến lược sản xuất, kinh doanh trên nền tảng môi trường làm việc xanh, sạch cho người lao động; nỗ lực đẩy mạnh mở rộng đầu tư sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để tiết kiệm nhân công, tăng năng suất lao động. Do đó Cty đã trưởng thành nhanh chóng với quy mô sản xuất gần 2.000 lao động, 24 chuyền sản xuất. Sản phẩm của Cty đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số thị trường khác. Năm 2016, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng Cty vẫn đặt mục tiêu tăng tiền lương người lao động 10-15% (bình quân từ 5-5,5 triệu đồng); doanh số gia công đạt 208-220 tỷ đồng, tăng trưởng 20% doanh số sản phẩm tự chủ về nguyên liệu (FOB) đạt 10 triệu USD. Hiện tại Cty đang chuẩn bị triển khai xây dựng thêm 1 nhà máy tại xã Giao Yến trên diện tích 24 nghìn m2, với quy mô 28 chuyền sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 1.200 lao động và sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động ngay những ngày đầu năm mới 2017. Cùng với những điển hình trên, trên địa bàn toàn tỉnh còn có nhiều doanh nghiệp dệt may khác như: Cty CP May Sông Hồng, Cty CP May 9… cũng áp dụng đồng bộ các biện pháp, lấy năng suất, chất lượng để tạo dựng uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, giảm bớt áp lực về nguồn nguyên liệu sản xuất.

Cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi dự án sản xuất công nghiệp phụ trợ ngành dệt may phân bổ đều tại các khu, CCN. Khi có nguyên phụ liệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển dần từ làm hàng gia công xuất khẩu sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm để nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất. Đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu về lãi suất vay ngân hàng, tỷ giá; quyết liệt cải cách hành chính và tác phong phục vụ của các cơ quan chức năng để giảm tối đa những chi phí phát sinh cho doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển sản xuất chuyên sâu.

Hy vọng với những giải pháp đồng bộ được gợi ý với sự hỗ trợ của các bộ, ngành chức năng về cơ chế chính sách, đặc biệt là sự nghiêm túc đánh giá năng lực của chính ngành dệt may từ đó quyết liệt cơ cấu lại doanh nghiệp, củng cố toàn diện năng lực, khắc phục tình trạng phát triển theo trào lưu, ngành dệt may của tỉnh sớm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, vững vàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com