Tăng cường quản lý khai thác khoáng sản

08:11, 21/11/2016

Để quản lý khai thác khoáng sản, tỉnh đã triển khai quy hoạch các mỏ khai thác cát trên các tuyến sông và cửa sông, khu vực ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 với trữ lượng khai thác là 206,3 triệu m3, diện tích là 5.985,9ha. UBND tỉnh đã phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho các Cty, doanh nghiệp cho Sở TN và MT; hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND huyện. Ngành chức năng và các địa phương cũng đã tổ chức thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản của Trung ương, của tỉnh; đồng thời tập trung quản lý hoạt động khai thác khoáng sản theo quy hoạch và cấp phép khai thác cát. UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo lực lượng chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến khá phức tạp tại một số tuyến sông, cửa biển, địa bàn giáp ranh. Trên các tuyến sông lớn, tình trạng phương tiện của các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp, nhất là trên tuyến sông Hồng, ở các mỏ cát giáp ranh với tỉnh Thái Bình và trên các tuyến sông Đáy đoạn qua địa bàn các huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng. Tại huyện Nghĩa Hưng, tình trạng khai thác cát trái phép trong những năm vừa qua với điểm nóng tập trung trên tuyến sông Đào thuộc các xã: Nghĩa Thịnh, Nghĩa Minh, Hoàng Nam giáp huyện Ý Yên và các xã: Nghĩa Châu, Nghĩa Sơn, Nghĩa Hồng, Nghĩa Hùng và vùng cửa Đáy, giáp huyện Kim Sơn của tỉnh Ninh Bình… Tình trạng khai thác cát trái phép chưa bị ngăn chặn kịp thời đã khiến nhiều đoạn sông biến đổi dòng chảy. Điển hình như tại Nghĩa Hưng, một số hộ gia đình tại các xã Nghĩa Minh, Hoàng Nam bị mất đất canh tác do diện tích đất bãi ven sông bị sạt lở. Tại xã Yên Phúc (Ý Yên), trước đây bãi sông rộng khoảng 1,5km nhưng hiện nay do tình trạng khai thác cát lậu trong một thời gian dài đã gây sạt lở nghiêm trọng. Hiện đã có khoảng 50m bãi sông bị lở, ăn sâu vào mỏ kè làm mất tác dụng bảo vệ đê từ năm 2013; điểm xói lở lớn nhất chỉ còn cách chân đê 1m. Ngoài ra còn tình trạng tranh chấp, gây mất an ninh trật tự tại các khu vực cửa sông của các phương tiện khai thác cát trái phép.

Hoạt động kinh doanh, khai thác vật liệu xây dựng ven sông Đào (TP Nam Định).
Hoạt động kinh doanh, khai thác vật liệu xây dựng ven sông Đào (TP Nam Định).

Các nguyên nhân dẫn đến tồn tại, vi phạm trong khai thác cát kể trên được xác định là do: Các đối tượng tổ chức khai thác trái phép cát trên sông và cửa biển áp dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng như khai thác vào ban đêm hoặc gần sáng; có tổ chức cảnh giới, thông báo cho nhau khi phát hiện cơ quan chức năng kiểm tra; lợi dụng giấy phép khai thác, nạo vét để tổ chức khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, vượt quá công suất cho phép, xuất bán hóa đơn hợp thức hóa cho khối lượng cát được khai thác trái phép để tiêu thụ. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh mới cấp 3 giấy phép khai thác đất làm gạch, 7 giấy phép khai thác cát, 11 giấy phép thăm dò cát và 13 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản. Trong đó, từ năm 2011 đến thời điểm tháng 7-2012 có 6 Cty được cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh đã hết hạn và không được cấp phép lại; ngày 27-11-2013, Sở TN và MT mới cấp phép khai thác cho Cty CP Thủy sản Xuân Thủy khai thác cát ở mỏ cát xã Giao Thiện (Giao Thủy) phục vụ cho nuôi trồng thủy sản với thời hạn 5 năm. Tại cấp huyện, tính đến nay chưa cấp phép khai thác cát trên các tuyến sông cho bất kỳ trường hợp nào. Trong khi đó hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông vẫn diễn ra đều đặn. Bất cập trong việc cấp giấy phép kể trên là do các tổ chức, cá nhân chưa chủ động nộp hồ sơ xin thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản, hồ sơ chưa đầy đủ thủ tục theo quy định. Tại một số khu vực mỏ cát đã được quy hoạch, Sở TN và MT chưa tổ chức cắm phao tiêu khoanh định để cấp phép khai thác cát trên sông, cát ven biển; chưa cắm phao tiêu và biển báo khu vực cấm khai thác, hạn chế khai thác cát sông, cát biển cho chính quyền các địa phương quản lý. Lực lượng cán bộ chuyên ngành về lĩnh vực khoáng sản tại cấp huyện còn thiếu; tại nhiều xã, thị trấn chưa quan tâm đến nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn quản lý hành chính. Sự phối hợp giữa UBND các xã, thị trấn với các ngành chức năng của tỉnh, huyện trong tuyên truyền, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản chưa đồng bộ, thường coi đây là trách nhiệm của lực lượng Công an, GTVT. Đặc biệt, việc xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản có lúc chưa nghiêm, vì vậy việc quản lý khai thác khoáng sản chưa được chặt chẽ.

Để khắc phục tình trạng yếu kém trong quản lý khai thác khoáng sản, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý về khoáng sản. Trong đó, tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản và công nghiệp khoáng sản. Đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể; quan tâm đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông, cửa biển để họ hiểu và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, không tổ chức khai thác khoáng sản dưới bất kỳ hình thức nào. Các sở, ban, ngành liên quan chủ động công khai và triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch khai thác cát trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; nghiêm túc thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên, khoáng sản; chỉ cấp phép khai thác cát đen cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện; quy định cụ thể việc cấp phép các dự án dưới hình thức nạo vét tận thu khoáng sản. Đẩy mạnh công tác đấu giá và cấp giấy phép khai thác khoáng sản để tổ chức và cá nhân được cấp phép tự quản lý nguồn khoáng sản, kịp thời phục vụ cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai có hiệu quả, phát huy quy chế phối hợp quản lý và kiểm tra với các tỉnh lân cận trong quản lý khoáng sản cát sông. Thường xuyên kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong việc khai thác khoáng sản cát gây ảnh hưởng đê kè, dòng chảy, trật tự an toàn giao thông đường thủy… trên các tuyến sông, ven biển. Ngoài ra, tỉnh cần sớm thành lập Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh hoặc mở tài khoản của Quỹ bảo vệ môi trường để các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định nộp ký Quỹ bảo vệ môi trường khi làm thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com