Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ 1-1-2011

09:01, 07/01/2011

Ngày 16-6-2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) số 46/2010/QH12 và Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) số 47/2010/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011 và thay thế hai luật hiện hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm nâng cao trách nhiệm, thẩm quyền và tính chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong việc sử dụng các công cụ để thực hiện chính sách tiền tệ cũng như giám sát an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng; đồng thời bảo đảm tính tự chủ trong kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Nội dung sửa đổi và những điểm mới, tiến bộ của Luật NHNN 2010:

Luật NHNN gồm 7 chương, 66 điều, so với Luật 1997 và 2003 chỉ có 5 điều được giữ nguyên, còn lại đều có sự bổ sung và sửa đổi. Về địa vị pháp lý, NHNN vẫn giữ nguyên như trong Luật 1997 để phù hợp với thể chế chính trị và hiến pháp 1992. Tuy nhiên cách thiết kế trong Luật NHNN 2010 đã thể hiện rõ hơn vị trí của NHNN là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, đồng thời xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của NHNN là ngân hàng Trung ương của đất nước. NHNN có hai chức năng: Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, đồng thời thực hiện chức năng của ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các TCTD và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ, nhưng hai chức năng có quan hệ chặt chẽ với nhau trong một ngân hàng Trung ương để thực hiện mục tiêu hoạt động của NHNN. Mục tiêu hoạt động của NHNN nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD, bảo đảm an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 Từ việc xác định đúng vị trí, chức năng, mục tiêu hoạt động, Luật NHNN 2010 có nhiều nội dung thay đổi so với Luật NHNN 1997 và 2003. Đó là:

- Cụ thể hoá vai trò, vị trí của các cơ quan Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN) trong việc quyết định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, trong đó thẩm quyền và tính tự chủ của NHNN trong việc chủ động, linh hoạt sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ đã được xác định rõ ràng.

- Xác định rõ thẩm quyền của NHNN trong việc giám sát an toàn hoạt động của các TCTD thông qua hai hoạt động giám sát và thanh tra, cùng với việc thành lập cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN để đảm bảo sự quản lý chặt chẽ hơn đối với hệ thống các TCTD.

- Quy định rõ trách nhiệm giải trình, báo cáo của NHNN trước Quốc hội, Chính phủ và công chúng.

Ngoài ra, Luật NHNN 2010 còn có những nội dung quan trọng khác đã được điều chỉnh sửa đổi so với Luật 1997 và 2003 trên nhiều lĩnh vực hoạt động của NHNN như: lãi suất, quan hệ với Kho bạc, dự trữ ngoại hối, góp vốn thành lập doanh nghiệp đặc thù, quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi...

Những nội dung mới, chủ yếu của Luật Các TCTD 2010:

Luật Các TCTD năm 2010 gồm 10 chương và 163 điều được xây dựng theo hướng điều chỉnh cả tổ chức, quản lý hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng, trong đó các quy định chung áp dụng cho tất cả các loại hình TCTD và các quy định cụ thể áp dụng riêng cho từng loại hình TCTD. Kết cấu Luật TCTD mới được giảm bớt các quy định trùng lặp, đồng thời đảm bảo tính chặt chẽ, logic, đã khắc phục được những bất cập của Luật các TCTD năm 1997 như vấn đề về quyền tự chủ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm của TCTD; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong lĩnh vực ngân hàng cũng như nhu cầu đa dạng hoá, tính năng động, linh hoạt trong hoạt động kinh doanh của các TCTD.

Luật Các TCTD năm 2010 cũng đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập và xây dựng hệ thống các TCTD hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo sự đồng bộ giữa các quy định của Luật Các TCTD và các luật khác.

So với Luật Các TCTD năm 1997, Luật mới quy định cụ thể hơn phạm vi điều chỉnh và bỏ phần quy định về “các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng”. Cụ thể, Luật các TCTD mở rộng phạm vi điều chỉnh về thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể các TCTD. Luật cũng thay đổi tiêu chí xác định một tổ chức là TCTD bằng việc thay nội hàm của khái niệm “hoạt động ngân hàng”, bao gồm một trong ba hoạt động: nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung cấp dịch vụ thanh toán thay cho việc phải đồng thời thực hiện cả ba hoạt động trên.

Bên cạnh đó, Luật các TCTD mới cũng dành khá nhiều nội dung cho các quy định liên quan đến quản trị, điều hành của TCTD. Những thay đổi này đã góp phần giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả đối với người quản lý, điều hành của TCTD, khẳng định xu hướng đại chúng hoá các ngân hàng thương mại cổ phần.

Luật Các TCTD 2010 cũng quy định rõ hơn về phân biệt các loại hình TCTD như: Phân biệt ngân hàng và TCTD phi ngân hàng; giữa TCTD hoạt động kinh doanh và TCTD hoạt động chính sách; giữa mô hình ngân hàng đầu tư, nghiệp vụ ngân hàng và mô hình ngân hàng thương mại; giữa hình thức pháp lý và loại hình hoạt động.

Luật mới cũng có nhiều thay đổi, bổ sung liên quan đến hoạt động kinh doanh, các quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của TCTD, các tỷ lệ bảo đảm an toàn… Việc kiểm soát đặc biệt đối với các TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán, bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD cũng được quy định đầy đủ, chi tiết hơn và tăng thẩm quyền cho NHNN trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết khi TCTD được đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Ngoài ra, Luật Các TCTD 2010 còn có nhiều nội dung quan trọng khác được sửa đổi, bổ sung so với Luật các TCTD 1997 như: Phạm vi hoạt động kinh doanh của TCTD (về giấy phép và phạm vi hoạt động kinh doanh; cơ chế xác định phí, lãi suất của TCTD; về ban hành quy định nội bộ; việc góp vốn, mua cổ phần…), các quy định về việc chuyển tiếp đối với các TCTD nhằm tạo điều kiện cho các TCTD có thời gian để điều chỉnh tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật mới…

Luật NHNN và Luật Các TCTD có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2011 kéo theo rất nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn. Để triển khai thực hiện những quy định của Luật cần có các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng 56 Thông tư của NHNN; tuy nhiên những quy định của Luật đã rõ ràng, cụ thể cần được nhanh chóng triển khai ngay từ đầu năm 2011./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com