Bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm

08:26, 22/09/2023

Thời gian qua, nhiều hoạt động bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ được các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai. Nhiều sản phẩm chủ lực địa phương sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín được nâng cao, giá trị gia tăng đáng kể trên thị trường trong nước và quốc tế.

Sản phẩm dược của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trường Thọ (Khu công nghiệp Hoà Xá, thành phố Nam Định) được bày bán tại TECHFEST 2023.
Sản phẩm dược của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trường Thọ (Khu công nghiệp Hoà Xá, thành phố Nam Định) được bày bán tại TECHFEST 2023.

Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo đòn bẩy cho phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề KH và CN. Điển hình là tham mưu cho HĐND tỉnh kịp thời ban hành các nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động KH và CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết  số 42/2017/NQ-HĐND, ngày 10-7-2017 và Nghị quyết số 77/2022/NQ-HĐND, ngày 6-7-2022). Trong giai đoạn 2017-2022, đã có gần 200 lượt tổ chức, cá nhân được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2,75 tỷ đồng, trong đó có các hoạt động hỗ trợ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như: đăng ký nhãn hiệu; kiểu dáng công nghiệp; sáng chế, giải pháp hữu ích; đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; đăng ký bản quyền tác giả; tư vấn và định giá tài sản trí tuệ… Đã biên soạn và phát hành các tài liệu hướng dẫn về tài sản trí tuệ như: 400 cuốn sổ tay quy định quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể cơ khí Xuân Tiến; 500 cuốn sổ tay quy định quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bánh nhãn Hải Hậu; 200 cuốn sổ tay quy định quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định... Phối hợp và tổ chức hơn 20 lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ cho hơn 1.500 người là cán bộ, giảng viên, sinh viên một số trường đại học; cán bộ các sở, ngành liên quan; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; chủ trang trại, HTX… 

Từ khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, tỉnh đã luôn quan tâm chỉ đạo triển khai những giải pháp để phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ phát triển thương hiệu một số sản phẩm chủ lực của tỉnh. Sở KH và CN đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Nam Định, Đài PT và TH tỉnh, phát tờ rơi, trên trang thông tin điện tử. Trong gần 5 năm qua, Sở KH và CN đã tư vấn, hướng dẫn gần 100 lượt doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hầu hết các tổ chức, cá nhân đã hiểu được ý nghĩa, vai trò, cách thức xác lập quyền, quyền và nghĩa vụ trong công tác bảo vệ quyền sở hữu cho sản phẩm của mình, tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ được duy trì thường xuyên thông qua các đợt kiểm tra chuyên ngành về sở hữu trí tuệ. 

Sở KH và CN đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh), lực lượng Quản lý thị trường… hỗ trợ giải quyết các nội dung tranh chấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh có sản phẩm bị xâm phạm. Từ năm 2019 đến nay, Sở KH và CN đã triển khai thực hiện một số hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ như hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển 5 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận gồm: nhãn hiệu tập thể các sản phẩm cơ khí của làng nghề Xuân Tiến, xã Xuân Tiến (Xuân Trường); nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp sạch của Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định; nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong Vườn quốc gia Xuân Thủy; nhãn hiệu chứng nhận bánh nhãn Hải Hậu; nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm phở Nam Định. Ngoài ra, Sở KH và CN còn phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của các huyện trong tỉnh đạt từ 3 sao trở lên. Thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương nói riêng và hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung; từ sản xuất, phát triển sản phẩm tự do sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng. Cùng với đó, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù địa phương còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ đã được người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể. 

Tiêu biểu như dự án “Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Mật ong rừng sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy cho sản phẩm mật ong của Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định”. Sau 16 tháng thực hiện, các sản phẩm của dự án đã được tạo lập và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; cộng đồng địa phương nắm được các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, về đăng ký, quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, sản phẩm “Mật ong rừng sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy” đã được cải thiện về mặt chất lượng thông qua việc trang bị máy hạ thủy phần mật ong giúp mật đặc hơn, hàm lượng thủy phần thấp hơn (từ 18-22%); mật không bị sủi bọt, không bị chua và thời gian bảo quản được lâu hơn; nhãn hiệu, bao bì sản phẩm được chú trọng thiết kế đẹp mắt, mẫu mã đa dạng. Không chỉ có một loại chai như cũ mà sản phẩm này giờ có nhiều loại mẫu mã quy cách đóng chai với dung tích khác nhau phù hợp nhu cầu sử dụng từ mua làm quà tặng, mua để sử dụng... thuận tiện cho khách hàng, do vậy việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn. Qua đó đã giúp giá trị thương hiệu sản phẩm được nâng cao, thị trường sản phẩm được mở rộng.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai chương trình sở hữu trí tuệ cũng gặp một số tồn tại, vướng mắc. Trong đó việc xây dựng các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý gặp nhiều khó khăn do mối liên kết, sự hợp tác trong phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên sau khi kết thúc dự án sự quan tâm cũng giảm nên hiệu quả mang lại của các dự án chưa được rõ rệt. Nhiều sản phẩm đặc sản của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu bởi các lý do khách quan như: công tác hỗ trợ còn phức tạp; hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của từng cơ sở còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết; các doanh nghiệp chậm đổi mới quy trình công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, chưa thực sự quan tâm và chưa tha thiết với việc khai thác, áp dụng sáng chế vào sản xuất…

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo Sở KH và CN tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương liên quan và các huyện, thành phố tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm, ngành hàng chủ lực của địa phương, nhất là sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch của tỉnh. Khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống của địa phương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com