Người Công giáo năng động trong phát triển kinh tế tập thể

08:03, 11/09/2023

Nhờ đổi mới cách thức làm ăn, năng động trong phát triển kinh tế tập thể, thời gian qua, nhiều đồng bào Công giáo trong tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho các hộ thành viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Ông Lê Văn Bản, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường) đầu tư dây chuyền sản xuất thức ăn thủy sản theo hướng VietGAP.
Ông Lê Văn Bản, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường) đầu tư dây chuyền sản xuất thức ăn thủy sản theo hướng VietGAP.

Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Xuân Dương, xã Xuân Hòa (Xuân Trường) đã có trên 20 năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản. Ban đầu, ông chủ yếu nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng xen canh với cá vược. Đến năm 2008, ông chuyển sang mô hình nuôi cá lăng cho năng suất và giá bán ổn định, đồng thời nuôi thêm các loại cá truyền thống. Trải qua nhiều khó khăn, đến nay gia đình ông đang sở hữu 2,7ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản với 10 ao, nuôi theo hình thức gối vụ. Với mong muốn giúp đỡ các hộ nuôi trồng thủy sản ở địa phương ổn định đầu ra, nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế, năm 2014, ông Lê Văn Bản thành lập HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa với 18 hộ thành viên tham gia, đến nay đã phát triển lên 25 hộ thành viên, đều là những chủ đầm đã có kinh nghiệm nhiều năm về nuôi trồng thuỷ sản. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của HTX là 25ha với các sản phẩm chủ lực gồm cá lăng, trắm, chép, đối mục và tôm thẻ chân trắng; áp dụng công nghệ nuôi trồng sản phẩm theo tiêu chuẩn thực phẩm an toàn. HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản từ các nguyên liệu tỏi ủ lên men, bột tôm, bột cá, đậu tương, ngô... đảm bảo nguồn thức ăn tại chỗ khoảng 30%, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng nuôi trồng thủy sản sạch, đồng thời giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Hội đồng quản trị HTX còn kết nối với một số công ty cung cấp nguyên liệu cho xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi; ký kết với một số doanh nghiệp, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm cá lăng của HTX sản xuất theo liên kết chuỗi, tất cả các khâu nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế, đóng gói đều khép kín dưới sự giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt; trong quá trình nuôi áp dụng cho ăn giảm đạm, tăng chất xơ, tạo chất lượng thịt chắc và thơm ngon, được thị trường đặc biệt ưa chuộng. HTX đã thực hiện quy trình xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm cá lăng cắt khúc để đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng sạch. Tham gia HTX đã giúp các thành viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất; xây dựng quy chế hoạt động sản xuất của các hộ trong vùng nuôi; thống nhất về bảo vệ môi trường nguồn nước; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đồng thời quản lý tốt chất lượng nguồn giống, thức ăn, thuốc nuôi trồng thủy sản, các chế phẩm sinh học, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong công tác nuôi thủy sản... Hệ thống hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản cũng được quan tâm, từng bước được cải tạo và nâng cấp, tạo thuận lợi cho sản xuất. Nhờ đó, mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường gần 500 tấn cá các loại, 8 tấn tôm thẻ chân trắng, tôm sú, đạt doanh thu khoảng 25 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nuôi trồng chế biến thủy sản Hải Điền là giáo dân giáo xứ Hải Chính (Hải Hậu). Sau thời gian đi làm ăn xa quê, tích cóp được một số vốn và kinh nghiệm, năm 2014, anh Bình trở về quê, khởi nghiệp nuôi trồng thủy sản trên diện tích đất làm muối được các cấp chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi. Từ thành công ban đầu, anh mạnh dạn thuê thêm diện tích để mở rộng sản xuất. Tháng 7-2018, qua tìm hiểu và được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ, tư vấn, anh Bình đã vận động các gia đình góp vốn, góp đất thành lập HTX nuôi trồng, chế biến thủy sản Hải Điền để cùng nhau sản xuất, kinh doanh. Với khát vọng làm giàu trên chính đồng đất quê hương, các thành viên HTX đã đóng góp tài sản, sức lực, phát huy nội lực, tiềm năng của từng thành viên trong sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ nhau về khoa học kỹ thuật áp dụng trong nuôi trồng thủy sản, đảm bảo kế hoạch sản xuất ổn định, tạo ra khối lượng sản phẩm tập trung có giá trị hàng hóa cao, tăng hiệu quả trong sản xuất. Nhiều sản phẩm của HTX được khách hàng tin dùng lựa chọn như chả mực, chả cá, tôm sú, cá mú, cá vược, cá thu cắt khúc, tôm nõn, trong đó các sản phẩm chả cá, chả mực đã được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện cho các thành viên có tích lũy, làm giàu, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động của 2 xã Hải Chính, Hải Lý và các xã lân cận… Bên cạnh việc duy trì nuôi các loại cá nước mặn, nước lợ đặc sản và chế biến sản phẩm thủy hải sản, anh Bình đã năng động tìm hướng đi mới cho HTX. Năm 2021, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống bể có mái che, đưa giống ốc hương về nuôi thử nghiệm. Đến nay, anh đã mở rộng diện tích nuôi lên đến 5.000m2 với 7 ao nuôi, được thiết kế chắc chắn, có hệ thống tiêu thoát nước cố định. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán khoảng 15 tấn ốc hương thương phẩm với giá bán từ 250-350 nghìn đồng/kg.

Ngoài 2 điển hình trên, tại các địa phương trong tỉnh đều có nhiều người Công giáo năng động trong phát triển kinh tế tập thể. Tiêu biểu như tại huyện Xuân Trường, nhiều HTX có đông giáo dân như HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Phương, Xuân Tiến, Xuân Ngọc; Phú Thuỷ, xã Xuân Hồng; Xuân Dục, xã Xuân Ninh; giáo xứ An Phú, xã Xuân Đài; giáo xứ Liên Thượng, giáo họ Phú An, xã Xuân Ngọc; giáo họ Trung Lễ, giáo họ Đức Bà, xã Xuân Bắc... là những đơn vị dẫn đầu về năng suất lúa trong huyện. Giáo dân các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng cũng đã nhân rộng diện tích trồng lúa đặc sản có thương hiệu trên thị trường cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 400 giáo xứ, giáo họ đạt năng suất lúa từ 120-145 tạ/ha/năm. Một số gia đình giáo dân thuộc tuyến biên giới biển đã thành lập các tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, cùng nhau khai thác những tiềm năng sẵn có của vùng biển, ven sông lớn ở các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu để nuôi trồng khai thác, chế biến thủy, hải sản. Nhiều HTX, tổ hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ của người Công giáo đã đem lại nguồn thu nhập lớn, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động.

Năng động trong phát triển kinh tế tập thể, đến nay toàn tỉnh đã có trên 400 công ty, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có giám đốc là người Công giáo; nhiều người đã vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần thực hiện hiệu quả “Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com