Dấu ấn ngành Ngân hàng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

18:19, 26/11/2023

Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức song ngành Ngân hàng tỉnh đã cố gắng nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ sự đoàn kết, năng động, trách nhiệm, sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.

Tàu thuyền neo đậu tại cống Quần Vinh, xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng.
Tàu thuyền neo đậu tại cống Quần Vinh, xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng.

Thực hiện tốt vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế

Những năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và của tỉnh, NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã cụ thể hóa và chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai quyết liệt, có trách nhiệm các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả, thông suốt, góp phần hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đến hết ngày 31-10-2023, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 115.367 tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 15,6%/năm. Tổng dư nợ của nền kinh tế đạt 97.893 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân năm giai đoạn 2020-2022 đạt 13,7%. Nợ xấu là 473 tỷ đồng, chiếm 0,48% tổng dư nợ cho vay, thấp hơn nhiều so với quy định của NHNN. Với động lực từ nguồn vốn ngân hàng đã góp phần tích cực vào tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh qua các năm. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng dần từng năm; năm 2021 đạt 7,7%; năm 2022 đạt 9,1% (mức tăng cao nhất từ trước đến nay). Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng ước đạt 9,06%, là mức tăng cao trong vùng và cả nước

Giai đoạn 2020-2023, NHNN Chi nhánh tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh phát triển mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, trên cơ sở đó, các TCTD đã tích cực đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai hàng loạt các sản phẩm dịch vụ, tiện ích hiện đại, thân thiện, mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng như QRCode, Internet Banking, Mobile Banking, thanh toán không tiếp xúc, ví điện tử… tạo nên cuộc cách mạng trong thanh toán, giao dịch. Thói quen chi tiêu, tiết kiệm của người dân và xã hội đã được làm thay đổi theo hướng tích cực; người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng, giao dịch, thanh toán mọi lúc, mọi nơi, giúp cho dòng vốn ngân hàng vận hành linh hoạt, khơi thông và chảy vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Phương thức thanh toán số lan tỏa nhanh chóng và quen thuộc được người dân đón nhận, nhất là thanh toán cho dịch vụ hành chính công và các dịch vụ thiết yếu khác như tiền học phí, viện phí, chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội... Từ đó góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nền hành chính số, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế của tỉnh.

Không chỉ đáp ứng vốn giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong nửa đầu nhiệm kỳ, Chi nhánh NHNN tỉnh còn luôn là đơn vị tiên phong tích cực, trách nhiệm trong việc triển khai kịp thời, nhanh chóng các giải pháp, chương trình hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam giúp phục hồi nền kinh tế như miễn, giảm một số loại phí dịch vụ thanh toán; miễn, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng. Đến ngày 30-6-2022, các TCTD đã thực hiện miễn, giảm lãi vay cho 907 khách hàng với số tiền 15 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ của 1.818 khách hàng; cho vay mới 2.092 khách hàng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. 

Bên cạnh đó, các TCTD cũng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất vay trung bình từ 0,5-1,0%/năm đối với đồng Việt Nam và 0,3%/năm đối với đồng USD nhằm đồng hành chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Tổng dư nợ được giảm lãi suất khoảng 32.091 tỷ đồng, với 95.265 khách hàng, số tiền lãi được giảm ước tính 126,7 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã tiến hành rà soát đối tượng và thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP đối với 47.578 món vay, số tiền lãi đã hỗ trợ là 40,7 tỷ đồng. Cùng với đó, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, xúc tiến 3 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nằm trong khuôn khổ Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; trong 10 tháng đầu năm 2023, đã có 113 doanh nghiệp được tham gia chương trình, tổng số tiền cam kết cho vay là 2.227 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 3.127 tỷ đồng.

Đường dong ngõ tổ dân phố đạt chuẩn sáng - xanh - sạch - đẹp tại thị trấn Ninh Cường, huyện Trực Ninh
Đường dong ngõ tổ dân phố đạt chuẩn "sáng - xanh - sạch - đẹp" tại thị trấn Ninh Cường, huyện Trực Ninh.

Nhận diện thách thức, vượt qua khó khăn

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2020-2025 với nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực hậu đại dịch COVID-19. Kinh tế toàn cầu tăng chậm, các chuỗi liên kết bị đứt gãy chưa phục hồi, doanh nghiệp không có đơn hàng, hàng hóa tiêu thụ chậm, năng lực tài chính của doanh nghiệp bị bào mòn sau thời gian dài chống chịu, do vậy sự phục hồi kinh tế còn chậm và khó khăn. 

Nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2023, Chi nhánh NHNN tỉnh đã triển khai hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để ngân hàng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, qua đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, NHNN đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm từ 1,5-2%/năm; 3 lần giảm lãi suất huy động tối đa đối với tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng với mức giảm từ 0,5-1,25%/năm và 3 lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực ưu tiên với tổng mức giảm là 1,5%/năm. Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với mức giảm từ 1,5-2%/năm tùy từng đối tượng khách hàng, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. 

NHNN Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các TCTD khẩn trương triển khai các chương trình phục hồi nền kinh tế của Chính phủ như: cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Công văn số 5631/NHNN-TD ngày 14-7-2023 của NHNN để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Đến nay, đã có 8 ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 67 khách hàng với tổng dư nợ được cơ cấu lại lũy kế là 556 tỷ 715 triệu đồng. Chi nhánh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 3-9-2020; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2022-2025 theo Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 15-6-2022. Chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, trong đó tập trung triển khai làm sạch, đồng bộ dữ liệu khách hàng; phối hợp với Hội sở chính triển khai các giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) trong việc mở và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử... 

Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Đặng Văn Kim cho biết: “Để thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Chi nhánh NHNN tỉnh sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN và của UBND tỉnh để chỉ đạo, đôn đốc các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn tuân thủ đúng quy định của pháp luật, an toàn, hiệu quả”. Trong đó, NHNN tập trung chỉ đạo các TCTD cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và địa phương. Tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2022/TT-NHNN. Đẩy mạnh triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ và 15 nghìn tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Yêu cầu các TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với Hội sở chính triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng tài khoản định danh; phấn đấu tiết giảm chi phí, cắt giảm những thủ tục và các loại phí không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để có dư địa giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giúp cho người dân, doanh nghiệp có nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com