Vụ lúa mùa vượt khó, thắng lợi toàn diện

18:56, 16/11/2023

Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh… ảnh hưởng bất lợi cho sinh trưởng, phát triển của lúa mùa, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, các địa phương đã tập trung khắc phục khó khăn, chủ động triển khai các nhiệm vụ sản xuất nên vụ mùa năm 2023 tiếp tục giành thắng lợi toàn diện.

Nông dân xã Nam Thái (Nam Trực) thu hoạch lúa mùa, năng suất ước đạt trên 53 tạ/ha.
Nông dân xã Nam Thái (Nam Trực) thu hoạch lúa mùa, năng suất ước đạt trên 53 tạ/ha.

Bước vào sản xuất đầu vụ mùa năm nay gặp không ít khó khăn. Đây cũng là vụ có nguồn sâu bệnh cao, nhất là sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, lứa 7 có mật độ sâu cao gấp 4-5 lần năm trước và kéo dài; sâu đục thân 2 chấm lứa 5 cao gấp 3-4 lần năm trước. Thực hiện hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, các địa phương đã chủ động, tích cực tổ chức đợt cao điểm phòng trừ dịch hại và đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 26 đến ngày 28-9-2023 trên địa bàn tỉnh có mưa to với lượng mưa trên 227,2mm khi các trà lúa đang vào chắc - chín đã làm 7.230ha lúa bị ngập, trong đó có 2.947ha bị đổ. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND ngày 28-9-2023 về việc triển khai các biện pháp ứng phó với đợt mưa úng kéo dài nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra. Trong đó yêu cầu ngành Nông nghiệp, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo vận hành các phương án tiêu úng nhanh cho những diện tích lúa bị ngập úng. Tập trung mọi lực lượng lao động để thu hoạch những diện tích lúa đã chín và cây màu hè thu với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. Đối với diện tích lúa mới trỗ bông vào chắc, tranh thủ thời tiết thuận lợi đôn đốc nông dân dựng buộc diện tích lúa bị đổ. Nhờ đó đã giảm đáng kể thiệt hại, bảo đảm năng suất, chất lượng lúa.

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, vụ mùa 2023, toàn tỉnh gieo cấy 71.160ha, giảm 842ha so với vụ mùa 2022. Trong đó cơ cấu giống lúa lai 6% diện tích; lúa chất lượng cao và đặc sản chiếm 88% diện tích… Tính đến ngày 13-11, các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa mùa. Năng suất lúa mùa ước đạt 52,9 tạ/ha, tương đương vụ mùa 2022; giá trị thu trên 1ha lúa, tăng 10-15% so với năm 2022. Năng suất lúa và giá bán đều tăng nên nông dân rất phấn khởi. Để có được kết quả này, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Theo đó, các giống lúa thuần được sử dụng trong vụ mùa này là: TBR225, M1-NĐ, BC15 kháng đạo ôn, LP5, Nếp 97, QR1, NĐ5, Nếp Hưng Yên, Lộc Trời 183, Nàng xuân; các giống lúa lai là CT16, Bắc ưu 903 kháng bạc lá, Phúc Thái 168, Lai thơm 6; các giống lúa đặc sản là Nếp bắc, Nếp cái hoa vàng, Tám xoan, Dự... Trong điều kiện thời tiết diễn biến khó lường, bất lợi cho sinh trưởng, phát triển của lúa mùa nhưng các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện phương châm gieo cấy càng sớm càng tốt, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, các loại sâu bệnh, nhất là bệnh lùn sọc đen. Việc gieo cấy lúa mùa đã cơ bản hoàn thành trước ngày 15-7-2023, sớm hơn 5-7 ngày so với vụ mùa năm 2022.

Cùng với việc thực hiện nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân cũng tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất vụ mùa. Toàn tỉnh có 300 máy cấy lúa bằng mạ khay đảm bảo tỷ lệ cơ giới hoá khâu gieo cấy đạt 15-20% diện tích; khâu phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ đạt 100% diện tích; cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt 96% diện tích, cơ giới hóa khâu làm đất gieo cấy lúa đạt 100% diện tích. Các địa phương xây dựng 184 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 7.959ha (có 2.644ha được bao tiêu sản phẩm), trong đó 173 cánh đồng lúa, 11 cánh đồng trồng rau màu. Ở các huyện có 460ha sản xuất giống lúa lai F1 bao gồm các tổ hợp lai: TH3-3 (150ha), Lai thơm 6 (150ha), Việt lai 20 (2ha), LC270 (15ha), Ly 2099 (20ha)…; năng suất ước đạt 20-25 tạ/ha. Các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân phối hợp, hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa thương phẩm, nhất là giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, với quy trình thâm canh riêng do Sở NN và PTNT, doanh nghiệp hướng dẫn. Tiêu biểu như mô hình liên kết của các Công ty TNHH: Cường Tân, Toản Xuân và Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Trực Ninh... thuê gom tích tụ ruộng đất sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn, lợi nhuận bình quân đạt 30-50 triệu đồng/ha/vụ, bảo đảm thu nhập của người nông dân trên mỗi héc-ta đất canh tác cao gấp trên 3 lần so với cách làm cũ. Để khuyến khích chuyển đổi phương thức gieo cấy lúa mùa, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ hộ nông dân mua máy cấy, khuyến khích áp dụng và nhân rộng mô hình “mạ khay - máy cấy”, nhân rộng các mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất quy mô lớn; mô hình dịch vụ của các HTX nông nghiệp, hạn chế tối đa diện tích gieo sạ. Đối với những vùng úng trũng, người dân đã thực hiện gieo mạ dược, mạ dày xúc để cấy, hạn chế tối đa thiệt hại khi xảy ra mưa lớn; đồng thời tổ chức khảo nghiệm một số giống lúa có khả năng chịu úng. Bảo đảm mật độ cấy lúa lai, lúa thuần, diện tích gieo sạ sử dụng đúng số lượng giống/sào. Trong khâu làm đất do thời gian chuyển vụ ngắn, trời nắng, nóng nên các địa phương hướng dẫn nông dân hạn chế việc vặn rạ, thực hiện cày bừa kỹ, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn sâu, bệnh hại, nhất là bệnh lùn sọc đen; thường xuyên giữ đủ nước trong ruộng để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy xác thực vật. Trong chăm sóc lúa, nông dân tập trung sử dụng phân hỗn hợp N-P-K với các sản phẩm phân bón của một số doanh nghiệp uy tín như: Tiến Nông, Lâm Thao, Bình Điền, Phú Mỹ, Việt Nhật, Ninh Bình… Tăng cường sử dụng và tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ để bón lót thay thế một phần lượng phân vô cơ, nhất là ở những chân nhiễm chua, phèn, mặn. Chủ động bón phân cân đối, bón sớm, bón gọn; không lạm dụng phân đạm, không bón phân đạm muộn và tập trung phân đạm cho bón lót và bón thúc lần 1. Điều đáng ghi nhận ở vụ mùa năm nay là các địa phương đã chủ động hơn trong phòng bệnh lùn sọc đen, bạc lá lúa bằng việc lựa chọn, sử dụng giống ít nhiễm rầy và bạc lá; tích cực áp dụng phương thức thâm canh lúa cải tiến (SRI), tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”; tổ chức phòng trừ hiệu quả các đối tượng dịch hại và các bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông trên các giống lúa bị nhiễm.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của tỉnh, ngành Nông nghiệp và sự tích cực của người nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất nên vụ mùa này mặc dù đầu vụ khó khăn song tiếp tục thắng lợi toàn diện, tạo tiền đề để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com