5 cách sử dụng gừng như một vị thuốc phòng và trị bệnh

16:29, 15/02/2024

Gừng không chỉ làm gia vị mà còn là loại thảo mộc mang lại tác dụng kỳ diệu cho sức khỏe, làm dịu đau họng, hỗ trợ tiêu hóa… nhưng dùng gừng thế nào giúp tăng cường sức khỏe?

Gừng là một loại gia vị rất phổ biến trong ẩm thực nước ta. Theo Y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh Phế, Tỳ, Vị, có tác dụng tán hàn giải biểu, ấm dạ dày, cầm nôn, dịu ho, tiêu đàm, giải độc... Vị cay thơm đặc trưng và tính ấm nóng của gừng là đặc điểm khiến cho gừng được sử dụng nhiều trong ẩm thực cũng như trong Y học cổ truyền.

Gừng chứa các hợp chất tự nhiên là gingerol và shogaol, có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Những hợp chất này giúp giảm buồn nôn, giảm đau cơ và thậm chí chống lại nhiễm trùng. Ngoài ra, thật dễ dàng để đưa vào thói quen hàng ngày của bạn.

Dưới đây là một số cách dùng gừng phòng và trị bệnh:

 

Trà gừng chống cảm lạnh, buồn nôn...
Trà gừng chống cảm lạnh, buồn nôn...

1. Trà gừng chống cảm lạnh, buồn nôn

Một trong những cách dễ nhất để tận hưởng lợi ích của gừng là dùng dưới dạng trà. Chỉ cần cắt hoặc xay một miếng gừng nhỏ, đun sôi trong nước trong 5-10 phút và thêm một chút mật ong hoặc chanh để tạo hương vị.

Nhấm nháp loại trà thảo mộc này giúp làm dịu cơn đau bụng, giảm buồn nôn hoặc chống lại cảm lạnh.

2. Nhai vài lát gừng hỗ trợ tiêu hóa

Dùng gừng rất tốt cho tiêu hóa.
Dùng gừng rất tốt cho tiêu hóa.

Gừng rất tốt cho các vấn đề về tiêu hóa. Nhai vài lát gừng nhỏ trước bữa ăn để kích thích tiêu hóa và ngăn ngừa đầy hơi. Các enzyme tự nhiên của gừng giúp phân hủy thức ăn, giảm bớt sự khó chịu dạ dày và thúc đẩy tiêu hóa tốt hơn.

3. Dùng gừng làm gia vị chế biến món ăn tăng cường miễn dịch

Chứa nhiều chất chống oxy hóa, gừng có tác dụng kỳ diệu đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Dùng gừng làm gia vị trong các món ăn hoặc uống nước gừng giúp ngăn ngừa bệnh tật. Đặc tính chống viêm của gừng cũng hỗ trợ sức khỏe khớp và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

4. Nước súc miệng gừng làm dịu cơn đau họng

Nước súc miệng gừng làm dịu cơn đau họng.
Nước súc miệng gừng làm dịu cơn đau họng.

Khi cổ họng đau rát, khó chịu, hãy dùng gừng để giảm đau. Hòa nước ấm với nước gừng và mật ong để tạo thành nước súc miệng. Đặc tính kháng khuẩn tự nhiên của gừng có thể giúp giảm đau nhức và chống lại vi khuẩn.

5. Tẩm gạc với nước gừng đắp giảm đau cơ

Nhờ khả năng chống viêm mà gừng có thể giúp giảm đau nhức cơ bắp. Tạo một miếng gạc gừng tự chế bằng cách ngâm một miếng vải vào nước ấm pha gừng và chườm lên vùng bị ảnh hưởng.

Với cách làm này giúp giảm bớt cơn đau nhức. Đây là một phương thuốc tự nhiên cho những cơn đau sau tập luyện.

6. Lưu ý khi dùng gừng

- Không nên sử dụng quá 5gr gừng / ngày.

- Những người chuẩn bị mổ hoặc mới mổ xong không dùng gừng.

- Không dùng gừng cho những trường hợp chảy máu cam, chảy máu chân răng, băng huyết, ho ra máu...

Về mặt lý thuyết, gừng chống chỉ định ở những bệnh nhân có chảy máu tạng hoặc những người dùng các thuốc chống tiểu cầu hoặc warfarin.

- Không dùng cho người bị đổ mồ hôi nhiều, cảm nắng...

- Khi thoa gừng lên da nên sử dụng trước ở một diện tích nhỏ xem có bị kích ứng không, chỉ nên giữ gừng trên da trong một thời gian ngắn vì có thể gây bỏng rát với người có da nhạy cảm.

- Nên rửa sạch vỏ gừng trước khi ăn chứ không nên gọt bỏ vỏ vì vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng./.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com