Hiệu quả phối hợp trong công tác dân vận ở Nghĩa Hưng

17:06, 17/12/2023

Thời gian qua, Ban Dân vận Huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Hưng đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng chính quyền vững mạnh, phát huy quyền dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện. 

Nhân dân thôn Liêu Hải Thượng, xã Nghĩa Trung làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhân dân thôn Liêu Hải Thượng, xã Nghĩa Trung làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Ban Dân vận Huyện ủy và UBND huyện đã tổ chức ký kết xây dựng chương trình phối hợp về công tác dân vận giai đoạn 2021-2026. Nội dung phối hợp tập trung vào việc tham mưu xây dựng, cụ thể hóa, thể chế hóa và sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận… của Đảng về công tác dân vận; cụ thể hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận; về vị trí, vai trò, trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công tác dân vận; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước huyện Nghĩa Hưng, giai đoạn 2021-2030; kịp thời giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; những kiến nghị, phản ánh, những bức xúc dư luận quan tâm, các nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XX về “Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2026” và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... Trên cơ sở phối hợp hàng năm, Ban Dân vận Huyện ủy và UBND huyện đều xây dựng kế hoạch triển khai; kiểm tra việc xây dựng và thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận ở cơ sở; tham mưu cấp ủy chỉ đạo thực hiện và đưa vào trong chương trình kiểm tra của cấp ủy. Các cơ quan hành chính Nhà nước đều phân công lãnh đạo và phòng chuyên môn trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền của cơ quan, đơn vị. Qua đó, đã nâng cao hiệu quả thực hiện công tác dân vận, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở.
Quá trình tổ chức thực hiện chương trình phối hợp về công tác dân vận đã xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả thiết thực trong công tác cải cách hành chính; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện các phong trào thi đua yêu nước… Điển hình, Ban Dân vận Huyện ủy và UBND huyện đã tích cực phối hợp tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy thực hiện tốt công tác tiếp, đối thoại công dân, nhất là công tác đối thoại với các hộ dân nuôi trồng thủy hải sản khu vực Cồn Xanh liên quan đến việc đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Năm 2023, UBND huyện đã tiếp dân 22 buổi với 203 lượt người, trong đó có 5 đoàn đông người; phối hợp tổ chức 3 buổi tiếp, đối thoại với khoảng 500 công dân nuôi trồng thủy hải sản khu vực Cồn Xanh. Chính quyền các cấp, thủ trưởng các địa phương, đơn vị đã thực hiện tốt công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân và nhân dân. Thông qua hoạt động đối thoại, tiếp dân và hòa giải cơ sở, các cấp, các ngành đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của công dân để xem xét, giải quyết đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Huyện ủy và UBND huyện đã tích cực phối hợp phát huy hiệu quả phong trào trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đến nay, toàn huyện đã triển khai thực hiện trên 200 mô hình “Dân vận khéo” đạt hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Thực hiện mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã giúp nâng cao chất lượng giải quyết công việc và rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân và doanh nghiệp. Huyện đã sớm nghiên cứu ban hành danh mục TTHC thực hiện theo hình thức trực tuyến mức độ 3, 4, TTHC liên thông. Đến nay trên địa bàn huyện có 390 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó TTHC cấp huyện 275 thủ tục, cấp xã là 115 thủ tục. Số hồ sơ TTHC cấp huyện đã giải quyết xong đến hết tháng 10-2023 là 4.187 hồ sơ, số hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn 4.154 đạt 99,2%; số hồ sơ TTHC cấp xã đã giải quyết xong 37.165 hồ sơ, số hồ sơ giải quyết đúng hạn 37.151 đạt 99,96%. Kết quả thực hiện cải cách hành chính của huyện đã tăng mức hài lòng và sự tín nhiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. 

Với việc tăng cường phối hợp đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác dân vận, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP hàng năm đạt trên 10%; cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng thương mại và dịch vụ chiếm 80,72%, nông nghiệp, thủy sản giảm còn 19,28%. Số tổ chức cơ sở Đảng đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 90%; chính quyền cơ sở đạt vững mạnh đạt 87,5%; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính - trị xã hội cơ sở đạt vững mạnh và khá đạt 85%. 

Đồng chí Trần Thị Tươi, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Nghĩa Hưng cho biết: Bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa UBND huyện và Ban Dân vận Huyện ủy Nghĩa Hưng về công tác dân vận là, nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền về ý nghĩa, tác dụng của việc thực hiện chương trình phối hợp, coi đó là mục tiêu, động lực phát triển địa phương; chú trọng xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, nội bộ đoàn kết, các phong trào thi đua phát triển mạnh, sinh hoạt trong cơ quan, cộng đồng dân cư dân chủ, cởi mở, thân thiện… Phải thường xuyên gắn thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC, cải cách chế độ công vụ, công chức; xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; đổi mới và nâng cao chất lượng các hình thức lấy ý kiến nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình phối hợp phải gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ chính trị và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; phát huy vai trò hạt nhân, tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp ở cơ sở./.

Bài và ảnh: Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com