Gỡ khó trong dạy học các môn tích hợp

08:29, 16/01/2024

Năm 2023-2024 là năm học thứ 3 triển khai dạy học các môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở cấp THCS. Tuy nhiên, từ thực tế giảng dạy của các nhà trường cho thấy còn không ít khó khăn, vướng mắc.

Cô và trò Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu) trong giờ học môn tích hợp.
Cô và trò Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu) trong giờ học môn tích hợp.

Theo Chương trình mới, ở cấp THCS xây dựng một số môn học tích hợp mới và hai môn học là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Môn Khoa học tự nhiên được hình thành chủ yếu từ các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và môn Lịch sử - Địa lý được hình thành chủ yếu từ các môn Lịch sử và Địa lý. Khảo sát chung các trường đều thấy nổi lên mấy vấn đề: Vấn đề lớn nhất là đội ngũ khi giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn nên khi dạy các môn tích hợp còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là môn Khoa học tự nhiên lớp 8. Các môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý hiện vẫn chưa có giáo viên được đào tạo đáp ứng yêu cầu giảng dạy các môn tích hợp. Đối với khối 6 và khối 7, kiến thức thuộc lĩnh vực Hóa học còn đơn giản, nhưng sang kiến thức lớp 8 thì nếu không được đào tạo chuyên sâu về Hóa học sẽ khó truyền tải kiến thức cho học sinh. Không ít giáo viên lúng túng, khó đưa ra những câu trả lời có thể thỏa mãn được mong muốn từ phía học sinh. Một khó khăn nữa là sách giáo khoa môn tích hợp vẫn được biên soạn theo những phân môn độc lập riêng biệt, chưa thật sự mang tính tích hợp về nội dung. Điều này dẫn đến tình trạng hai hoặc ba thầy, cô giáo cùng dạy một quyển sách và cùng chấm một bài khi kiểm tra. Việc xây dựng ma trận, ra đề kiểm tra và chấm điểm cho học sinh do các giáo viên bộ môn tích hợp tự thỏa thuận phân chia nhau. Cách thức này không đạt được hiệu quả cao mà còn gia tăng khối lượng công việc cho giáo viên. Ngoài ra, việc phân công giáo viên và xếp thời khóa biểu để tổ chức dạy học theo chương trình còn nhiều khó khăn, các trường phải thường xuyên điều chỉnh để đảm bảo cân đối số tiết các phân môn, khó cho cả giáo viên và học sinh. Mỗi trường một cách đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm để khắc phục, ứng phó với những khó khăn đặt ra nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm học, đảm bảo chất lượng dạy và học. 

Thời gian qua, Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu) đã triển khai dạy học các môn tích hợp theo đúng hướng dẫn chỉ đạo của Bộ GD và ĐT. Nhà trường đánh giá việc dạy học các môn tích hợp đã mở ra cơ hội thuận lợi để đội ngũ giáo viên nhà trường tìm tòi, tiếp cận, phát huy các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục. Theo một số giáo viên, dạy tích hợp theo Chương trình mới không phải là vấn đề quá xa lạ trong GDPT bởi giáo viên đã ít nhiều dạy học tích hợp trong Chương trình GDPT 2006. Tuy nhiên, việc triển khai dạy học các môn tích hợp theo quy định hiện nay đang vấp phải những khó khăn về đội ngũ, tài liệu giảng dạy... đối với cả nhà trường và giáo viên. Để khắc phục, nhà trường phải áp dụng giải pháp mang tính“cơ học”, sắp xếp giáo viên môn nào dạy riêng phân môn đó trong nội dung tích hợp. Chẳng hạn, môn Khoa học tự nhiên sẽ do các giáo viên Vật lý, Hóa học và Sinh vật giảng dạy phần kiến thức của từng môn học. Với môn Lịch sử - Địa lý, sẽ do các giáo viên Lịch sử, Địa lý giảng dạy. Bình quân cứ 4 tuần, nhà trường lại phải thay đổi thời khóa biểu một lần để cân đối số tiết dạy cho từng phân môn tích hợp. Hiệu trưởng Lê Thị Hằng cho biết cách “gỡ khó” của trường: đối với môn Khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học hay Lịch sử và Địa lý thì trường phân công giáo viên bảo đảm phù hợp về chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học. Ngoài ra, trường yêu cầu giáo viên tham gia tập huấn chuyên môn nghiêm túc để nắm bắt, tiếp cận nội dung chương trình và phương pháp dạy học đổi mới tích cực. Tổ chức thường xuyên, có hiệu quả các buổi sinh hoạt giữa các tổ, nhóm chuyên môn. Về đánh giá thường xuyên đối với học sinh, giáo viên dạy học nội dung nào thì thực hiện việc kiểm tra, đánh giá nội dung đó. Đối với bài kiểm tra đánh giá định kỳ, Hiệu trưởng phân công giáo viên phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp với các giáo viên cùng dạy môn học ở đó để thống nhất xây dựng ma trận, đề bài, bảo đảm số điểm đánh giá theo quy định, tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ. Với việc xếp thời khóa biểu, trường xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện các mạch nội dung hoặc các chủ đề của chương trình phù hợp với việc phân công giáo viên, đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, tính sư phạm và khả năng thực hiện của giáo viên.

Để dạy học các môn học mới và môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Trường THCS Liên Bảo (Vụ Bản) cử cán bộ, giáo viên tham gia đầy đủ, tích cực, hiệu quả các buổi tập huấn, hội thảo, sinh hoạt chuyên môn về thực hiện Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là các môn học mới, môn tích hợp. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn chéo cho giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên để trợ giúp bổ sung kiến thức các môn học (giáo viên môn Vật lý sẽ hướng dẫn giáo viên môn Sinh, môn Hóa cập nhật kiến thức bộ môn Vật lý và ngược lại). Ngay từ đầu năm học, trường tổ chức dạy thể nghiệm các môn học mới, để cùng trao đổi, thảo luận phương pháp dạy học và thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của cấp trên về xây dựng kế hoạch giáo dục môn học. Kế hoạch này được cá nhân giáo viên xây dựng, tổ nhóm chuyên môn góp ý, nhà trường phê duyệt. Trong năm học 2023-2024, đối với môn Khoa học tự nhiên lớp 6, lớp 7, trường phân công 1 giáo viên dạy cả 3 phân môn; đối với lớp 8, phân công 3 giáo viên dạy theo 3 phân môn độc lập. Với môn Lịch sử và Địa lý thì phân công giáo viên dạy theo phân môn Lịch sử và Địa lý. Qua kết quả khảo sát chất lượng các kỳ, chất lượng các môn học đều đảm bảo yêu cầu đề ra, có trên 90% học sinh xếp loại đạt trở lên của môn học, trong đó có gần 20% xếp loại tốt. Thầy Trần Hữu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Quá trình triển khai, trường có thuận lợi là được hướng dẫn, chỉ đạo, trợ giúp về chuyên môn cụ thể, chi tiết từ Sở và Phòng GD và ĐT. Trường cũng gặp những khó khăn vướng mắc chung như các trường trong cùng cấp học về đội ngũ, sắp xếp thời khóa biểu...

Từ thực tế triển khai tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh cho thấy, dù đã rất nỗ lực trong việc triển khai giảng dạy các môn tích hợp và đạt được một số kết quả nhất định, nhưng khó khăn lớn nhất với các trường vẫn là vấn đề đội ngũ và thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, theo Ban giám hiệu các trường, cần có chương trình bồi dưỡng chuyên môn sớm cho giáo viên dạy môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên. Trong bối cảnh chưa có đội ngũ giáo viên sẵn sàng cho dạy môn tích hợp thì cần linh động điều chỉnh dạy - học môn này theo các phương thức phù hợp. Cần tổ chức triển khai các buổi tập huấn chuyên môn cho giáo viên dạy môn tích hợp thường xuyên hơn, nhất là trong các dịp hè. Việc triển khai kế hoạch bồi dưỡng phải có chiều sâu để giáo viên có kiến thức thực sự chứ không phải chỉ để hoàn thiện về mặt hồ sơ có chứng chỉ... 

Ngành Giáo dục và các địa phương cần quan tâm để sớm có giải pháp khắc phục khó khăn, tạo ra sự thống nhất; quan tâm đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo danh mục thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các cơ sở giáo dục. Tăng cường mở lớp bồi dưỡng, đào tạo phù hợp để đảm bảo mỗi giáo viên có thể giảng dạy cả môn học và việc triển khai dạy các môn tích hợp tại các nhà trường thuận lợi hơn trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com