Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động

08:37, 22/02/2024

Trong năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh và các vị ĐBQH tỉnh tiếp tục tích cực đổi mới hoạt động, qua đó đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại Trường THCS Nam Phong (thành phố Nam Định).
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại Trường THCS Nam Phong (thành phố Nam Định).

Cùng với việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn quan tâm tham gia thảo luận, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước với nhiều ý kiến tích cực, trách nhiệm. Tham gia 5 kỳ họp Quốc hội trong năm (3 kỳ họp bất thường, 2 kỳ họp thường lệ), Đoàn ĐBQH, các ĐBQH của tỉnh đã phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, cùng Quốc hội xem xét, thông qua các vấn đề quan trọng của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền một cách thận trọng, chặt chẽ, với sự đồng thuận, thống nhất cao trên cơ sở tuân thủ đúng các nguyên tắc, quy định của Đảng và Nhà nước. Trong đó, có nhiều ý kiến phát biểu tại hội trường, tại tổ về các nội dung quan trọng như: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15; góp ý vào Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); góp ý các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ… Các ý kiến phát biểu đi thẳng vào trọng tâm, có chất lượng, mang tính thực tiễn cao, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận.

Hoạt động tiếp xúc cử tri luôn được Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm, coi trọng, tăng cường đổi mới, đa dạng về đối tượng tiếp xúc, hình thức và nội dung, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến; thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri bằng các hình thức: tiếp thu trực tiếp tại các hội nghị tiếp xúc, qua văn bản và thư điện tử mà cử tri gửi đến Đoàn. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tổ chức tiếp xúc cử tri theo nhóm đối tượng, trong đó có các đồng chí nguyên là cán bộ của tỉnh đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thiên Trường và cử tri công nhân tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản). Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn đã tổng hợp 28 ý kiến, kiến nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để chuyển đến các cấp, các ngành xem xét, giải quyết theo quy định. Đã có 100% kiến nghị đã được bộ, ngành Trung ương giải quyết, trả lời; trong đó nhiều ý kiến được tiếp thu, giải quyết trên các lĩnh vực như: công tác luân chuyển định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức cấp xã; đầu tư trang thiết bị dạy học và giao biên chế, số lượng người làm việc ở bậc học phổ thông; đầu tư các công trình, dự án phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các vấn đề về ô nhiễm môi trường, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết việc làm, chế độ chính sách, nhà ở công nhân, tạo điều kiện cho công nhân lao động vay vốn… đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.

Điểm nổi bật trong hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh là hoạt động giám sát, khảo sát được chú trọng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm về thời gian, kinh phí, không ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị, địa phương. Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức giám sát 3 chuyên đề tại địa phương theo yêu cầu của Đoàn Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Giám sát, khảo sát trực tiếp tại 17 cơ quan, đơn vị, địa phương; giám sát qua văn bản báo cáo đối với các đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát Đoàn ĐBQH tỉnh đã kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; góp ý, điều chỉnh những thiếu sót của các cơ quan, đơn vị, địa phương và đưa ra kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập đối với những nội dung đã được giám sát; xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện, khách quan việc thi hành pháp luật hiện hành, gửi tới Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị, đề xuất 24 vấn đề với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để rà soát, sửa đổi, điều chỉnh những quy định chưa phù hợp và bổ sung những quy định mới cần thiết. Đồng thời Đoàn đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành chức năng, các đơn vị có liên quan để đảm bảo triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tại các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề xuất các nhóm vấn đề chất vấn đối với các lĩnh vực là những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Nội dung chất vấn được các vị ĐBQH tỉnh nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát thực tiễn và lĩnh vực được chất vấn để đặt các câu hỏi và tranh luận có chất lượng, đúng và trúng các vấn đề cử tri quan tâm. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên duy trì và tăng cường mối quan hệ với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố; các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước… để chuyển tải, trao đổi các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cấp, các ngành, đồng thời tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh và các dự án lớn của tỉnh; tham gia các hoạt động thăm, tặng quà hộ gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán...

Tích cực triển khai các hoạt động, năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đã tổng hợp 111 ý kiến đóng góp ý kiến vào 15 dự thảo luật; tham gia 66 ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường, 5 lượt ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn về các nội dung quan trọng tại các kỳ họp; tổ chức 32 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 28 ý kiến, kiến nghị gửi tới các cấp, các ngành chức năng xem xét, giải quyết theo quy định... Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra./.

Bài và ảnh: Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com