Hiệu quả hoạt động công tác học sinh, sinh viên

08:27, 26/04/2024

Công tác học sinh, sinh viên (HSSV) có vai trò quan trọng trong tổng thể các mặt hoạt động của các nhà trường. Ngoài việc đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của người học, quản lý, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, phục vụ HSSV, công tác này còn trực tiếp giáo dục về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, thẩm mỹ, thể chất cho HSSV.

Thầy và trò Trường cấp 3 nông nghiệp Nam Định trong giờ thực hành chế biến thực phẩm.
Thầy và trò Trường cấp 3 nông nghiệp Nam Định trong giờ thực hành chế biến thực phẩm.

Xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác HSSV, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Nam Định đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả đến các nhà trường, tạo thành phong trào sâu rộng. Các nhà trường chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; đổi mới các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh với nhiều hình thức phong phú qua giảng dạy chính khóa các môn Đạo đức, Giáo dục công dân; lồng ghép, tích hợp vào các môn học khác có liên quan; các hoạt động ngoại khóa có sự phối hợp với cha mẹ học sinh và các đoàn thể. Ở bậc tiểu học, các trường chuyển hướng tổ chức hoạt động trải nghiệm tập trung vào giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục giá trị sống, các kỹ năng sống (kỹ năng tự bảo vệ bản thân tránh bị xâm hại, bạo lực, ý thức giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp…) thực hiện tốt giáo dục thực hành tâm lý học đường cho học sinh tiểu học... Bậc giáo dục trung học chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, tăng cường nền nếp, kỷ cương trong nhà trường; khắc phục tình trạng bạo lực học đường và các hiện tượng tiêu cực khác xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, an toàn.

Cùng với việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, các trường đặc biệt quan tâm kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm lý, phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ của học sinh; tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng xã hội nhằm giáo dục lòng nhân ái qua thực tiễn cuộc sống. Việc giáo dục đạo đức, lối sống còn thông qua các cuộc thi văn nghệ gắn với giáo dục giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, của quê hương. Ngành GD và ĐT tỉnh còn phối hợp với Tỉnh Đoàn, Công an tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho học sinh những kiến thức pháp luật cần thiết. Các tổ chức Đoàn, Đội trong các nhà trường cũng thường xuyên hướng các em đọc những câu chuyện ngụ ngôn, đạo đức, những tác phẩm văn học mang tính nhân văn, rèn luyện khả năng ứng xử thân thiện trong mọi tình huống, giải quyết hợp lý các mâu thuẫn trong cuộc sống... đồng thời tăng cường các trò chơi vận động ngoài trời, giúp các em tìm ra khái niệm bài học dựa trên cảm nhận các bài hát, các bài học đạo đức, các tác phẩm văn học nghệ thuật… để suy ngẫm rút ra ý nghĩa bài học. Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng tùy theo hoàn cảnh thực tế từng địa phương để triển khai có hiệu quả.

Bên cạnh đó, các trường luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên, học sinh thông qua các buổi sinh hoạt, các tiết chào cờ đầu giờ; xây dựng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở phù hợp với tình hình của địa phương, củng cố và xây dựng tủ sách pháp luật tại thư viện nhà trường. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Giao thông đường bộ... để nâng cao tính tự giác của học sinh khi tham gia giao thông, không bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Bên cạnh việc phổ biến luật, các trường còn vận động học sinh xây dựng “Văn hoá giao thông”, học tập các nội dung về phòng, chống tội phạm, AIDS, ma tuý, mại dâm và phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực học đường; quản lý, giáo dục học sinh hư, chậm tiến, vi phạm pháp luật để các em dần thay đổi nhận thức và hành vi. Việc cung cấp thêm thông tin về pháp luật giúp học sinh có cách cư xử đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật cho phép. Để các kiến thức pháp luật trở nên sinh động và gần gũi với học sinh, nhiều cuộc thi được tổ chức như: “Chúng em tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ”, thi vẽ tranh “Chúng em với an toàn giao thông”, phát động cuộc thi “Giao thông thông minh” đối với học sinh tiểu học và THCS…

Các nhà trường quan tâm hình thành các thói quen tốt trong môi trường học đường, ngoài xã hội và trên mạng internet cho học sinh, sinh viên như: Ứng xử văn hóa, thân thiện, lành mạnh, chủ động học tập, nghiên cứu khoa học, thường xuyên đọc sách, trau dồi kiến thức. Vận động thanh niên trường học sống đẹp, chia sẻ, học tập những câu chuyện đẹp về lối sống trong xã hội, trong HSSV. Hàng năm đã có trên 19 nghìn lượt HSSV được học tập, tuyên truyền, quán triệt nghị quyết của Đảng, Đoàn các cấp. Các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và các hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) cũng được các nhà trường duy trì, đẩy mạnh thông qua các hoạt động như: nhận chăm sóc di tích lịch sử, công trình đài tưởng niệm các Anh hùng - Liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi tặng quà và giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công; tham gia tu sửa, quét dọn vệ sinh khu vực nghĩa trang liệt sĩ. Các phong trào học tập, nghiên cứu khoa học đã tạo không khí thi đua sôi nổi, phát triển khả năng tư duy sáng tạo của học sinh, sinh viên; các hoạt động tình nguyện thường xuyên, tại chỗ được tổ chức đa dạng. Năm học 2022-2023, đã có 367 hoạt động tình nguyện thu hút được hơn 29.560 HSSV.

Với nỗ lực trong việc thực hiện công tác HSSV những năm qua, kết quả rèn luyện của HSSV trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết học sinh đều có ý thức trách nhiệm trong việc học tập và rèn luyện bản thân, có lối sống lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi học đường. Có nhiều tấm gương học sinh vượt khó, hiếu học, học giỏi làm rạng danh gia đình, dòng họ và quê hương; nhiều học sinh có nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Các em cũng tích cực tham gia hoạt động tập thể, các phong trào xung kích, sáng tạo tình nguyện vì cộng đồng. Hàng năm tỷ lệ HSSV đạt kết quả xếp loại rèn luyện Khá và Tốt chiếm trên 80%; trật tự, kỷ cương nền nếp của các nhà trường được thiết lập và giữ vững, đặc biệt không có HSSV vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội. Nhiều HSSV có nỗ lực phấn đấu tốt trong học tập, rèn luyện đã được nhà trường quan tâm bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng./.

Bài và  ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com