Hội Chữ thập đỏ Nghĩa Hưng tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa, thiên tai

17:32, 17/04/2024

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Nghĩa Hưng đã tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa, thiên tai, cứu trợ đột xuất, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân.

Hội Chữ thập đỏ huyện Nghĩa Hưng phối hợp tổ chức diễn tập phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, di dời dân đến nơi an toàn.
Hội Chữ thập đỏ huyện Nghĩa Hưng phối hợp tổ chức diễn tập phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, di dời dân đến nơi an toàn.

Xác định công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa, cứu trợ đột xuất là việc làm quan trọng và cấp thiết, hàng năm, Hội CTĐ huyện lập kế hoạch phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” bao gồm: đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ huyện đến cơ sở; chủ động vật tư, kinh phí, phương tiện, kho bãi, địa điểm tiếp nhận, phục vụ cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo an toàn, sức khỏe cho các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, giải quyết hậu quả sự cố xảy ra gắn với tình hình thực tế tại địa phương; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các xã, thị trấn nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, bão gió các biện pháp tự phòng tránh và ứng phó; huấn luyện kỹ năng phòng ngừa và ứng phó thảm họa, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, kỹ năng sơ, cấp cứu, phòng tránh tai nạn thương tích... cho đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên CTĐ và người dân tại cộng đồng. Hội CTĐ huyện đã phối hợp mở nhiều lớp tập huấn nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và ứng phó thảm họa, thiên tai cho cán bộ, giáo viên, học sinh các trường học trên địa bàn và nhân dân ở các địa phương có nguy cơ cao.

Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức tập huấn cộng đồng ứng phó với thảm họa cho 240 người là thành viên của đội ứng phó nhanh và 500 thanh niên xung kích CTĐ; rà soát, nắm chắc những đối tượng yếu thế cần sự trợ giúp khi có thiên tai, xác định vùng xung yếu, trọng điểm có nguy cơ cao, để chủ động trong phòng, chống, ứng phó thảm họa; thành lập các đội ứng phó thảm họa cộng đồng với tổng số 240 tình nguyện viên. Các tình nguyện viên khi tham gia vào đội ứng phó được trang bị đồ bảo hộ, được đào tạo kiến thức phòng ngừa thảm họa, tập huấn về kỹ năng sơ, cấp cứu nạn nhân gặp rủi ro thiên tai. Ngoài trang bị phương tiện cho Đội ứng phó thảm họa cộng đồng hoạt động, Hội CTĐ huyện cũng cung cấp đèn pin, áo mưa, loa cầm tay dùng pin, máy phát điện… tới các Hội cơ sở để các xã, thị trấn chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ khi có tình huống thiên tai khẩn cấp xảy ra. Một số đơn vị có đội ứng phó thảm họa cộng đồng hoạt động hiệu quả như: Nghĩa Hải, Nghĩa Bình, thị trấn Rạng Đông, Nam Điền, Phúc Thắng, Nghĩa Hùng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thành... Đặc biệt, từ năm 2013, thực hiện Dự án “Trồng rừng ngập mặn, giảm thiểu rủi ro thảm họa” ở những vùng có nguy cơ cao do Hội CTĐ Nhật Bản tài trợ, Hội CTĐ huyện đã tổ chức các lớp tập huấn đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng cho cán bộ Hội CTĐ, cán bộ cấp uỷ, chính quyền, bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm và cán bộ đoàn thể của 2 xã Phúc Thắng và Nghĩa Hùng; tổ chức diễn tập di dời dân về nơi trú ẩn an toàn. Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án, Hội CTĐ huyện phối hợp với các đơn vị đã khảo sát, thẩm định và hỗ trợ nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, hệ thống truyền thanh cho một số xã, thị trấn phục vụ việc cảnh báo sớm, giúp người dân nắm bắt thông tin, góp phần giảm nhẹ những rủi ro, thiệt hại khi xảy ra thiên tai, thảm họa tại địa phương.

Bên cạnh thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa, Hội CTĐ các cấp huyện Nghĩa Hưng còn tích cực triển khai các hoạt động cứu trợ đột xuất cho bà con nhân dân các vùng bị ảnh hưởng thiên tai, gặp rủi ro, người có hoàn cảnh khó khăn không may bị tai nạn, thương tích, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), người yếu thế… Cụ thể, trong năm 2023, Huyện Hội và Hội CTĐ các xã Nghĩa Hùng, Nghĩa Sơn đã trợ cấp cho 2 gia đình có người thân bị đuối nước. Hội CTĐ xã Nghĩa Hải phối hợp với Câu lạc bộ Nhân ái Nghĩa Hưng và Câu lạc bộ Phụ nữ yêu thương xã Nghĩa Lâm hỗ trợ 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng giá trị trên 504 triệu đồng. Huyện Hội trợ cấp cho gia đình em Việt Anh, xã Nghĩa Thái bị đuối nước 1 triệu đồng. Hội CTĐ xã Nghĩa Thái trợ cấp cho 2 đối tượng bị đuối nước và điện giật, trị giá 1 triệu đồng. Hội CTĐ xã Nghĩa Phong hỗ trợ cháu Đồng Quốc Huy bị bệnh tim 5 triệu đồng. Hưởng ứng Ngày Vì nạn nhân CĐDC (10-8), Hội CTĐ xã Phúc Thắng đã tặng 9 suất quà cho các nạn nhân CĐDC và 1 hộ gia đình có người bị điện giật với tổng trị giá 10,7 triệu đồng. Huyện Hội còn phối hợp với Hội thiện nguyện Đan Phượng (Hà Nội) trợ cấp hàng tháng cho cụ Nguyễn Thị Ngát, 73 tuổi, xóm 1, xã Nghĩa Lâm, độc thân, bị mù lòa, mức trợ cấp 10kg gạo và 500 nghìn đồng/tháng. Nhân dịp khai giảng năm học mới 2023-2024, Hội CTĐ các xã Nghĩa Châu, Nghĩa Thái, Nghĩa Minh, Nghĩa Phong, Nghĩa Tân đã tặng 94 suất quà cho 94 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi ở các trường mầm non, tiểu học và THCS với tổng trị giá 19,8 triệu đồng. Bên cạnh việc cứu trợ đột xuất cho người dân trong huyện, các cấp Hội CTĐ huyện Nghĩa Hưng còn có nhiều hoạt động ủng hộ người dân bị ảnh hưởng thiên tai trong nước và quốc tế. Cụ thể, thực hiện lời kêu gọi của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam về việc ủng hộ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả động đất, trong năm 2023, Hội CTĐ huyện đã kêu gọi, vận động quyên góp được 46 triệu đồng gửi về Trung ương Hội; ủng hộ ngư dân nghèo huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) 10 triệu đồng.

Với những hoạt động thiết thực trong công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa, thiên tai và cứu trợ đột xuất, Hội CTĐ huyện Nghĩa Hưng đã giúp người dân nâng cao tinh thần phòng, chống thiên tai; đồng thời hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng dễ bị tổn thương, các hộ nghèo, người yếu thế, người không may mắn, động viên họ vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, các cấp Hội CTĐ huyện tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên tham gia hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm họa, kết hợp các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu, phòng tránh tai nạn thương tích, nước sạch và vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Duy trì và phát triển các trạm, điểm sơ cấp cứu, bổ sung lực lượng tình nguyện viên, thanh, thiếu niên CTĐ; khảo sát và nắm chắc các đối tượng dễ bị tổn thương trong các vùng bị ảnh hưởng thiên tai, người không may mắn… để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com