Hoạt động khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

08:13, 29/04/2024

Thời gian qua, ngành Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tỉnh đã tích cực hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ, thiết bị mới để sản xuất ra sản phẩm mới. Qua đó đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Sản xuất tại Công ty TNHH Smart Shirt 
Garments Manufacturing Bảo Minh, 
Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).
Sản xuất tại Công ty TNHH Smart Shirt Garments Manufacturing Bảo Minh, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).

Sở KH và CN đã tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo hoạt động KH và CN; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ KH và CN phù hợp với thực tiễn của địa phương, tạo động lực phát huy sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng và hội nhập. Đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện các nhiệm vụ KH và CN cấp tỉnh, cấp bộ. Trong đó, các nhiệm vụ KH và CN phục vụ phát triển công nghiệp được các tổ chức KH và CN, doanh nghiệp, các sở, ngành và địa phương chú trọng đến tính thực tiễn, khả năng ứng dụng; bám sát mục tiêu phục vụ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương. Điển hình là Sở KH và CN hỗ trợ Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Thủy) thực hiện Dự án KH và CN “Hoàn thiện quy trình công nghệ kỹ thuật và sản xuất thử nghiệm bồn trộn bê tông thương phẩm đa năng loại 0,5m3-1,5m3-2,5m3”. Kết quả dự án giúp doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ hiện đại như: tạo phôi bằng máy CNC của hãng Victor nhập khẩu từ Mỹ, áp dụng hệ thống hàn MIC robot tự động, phun sơn tĩnh điện Nhật Bản… sản xuất được các sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm đa dạng kích cỡ, phù hợp với nhiều nhu cầu và các điều kiện sử dụng máy. Nhờ đó, sản phẩm được thị trường đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và nâng cao khả năng cạnh tranh về giá thành so với hàng nhập khẩu. Hỗ trợ Sở Công Thương thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh”, giúp Sở Công Thương làm tốt công tác quản lý Nhà nước, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở KH và CN còn hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ KH và CN liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất như: “Ứng dụng công nghệ Hudavil để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ nguồn bùn thải trong quá trình xử lý nước thải Khu công nghiệp (KCN) Bảo Minh”. Dự án đã giúp xây dựng xưởng sản xuất phân bón hữu cơ Hudavil Bảo Minh công suất 500-1.000 tấn phân hữu cơ vi sinh, giảm thiểu chất thải phát sinh từ quá trình xử lý nước thải của KCN Bảo Minh và giảm chi phí xử lý bùn thải sinh học. Hay dự án “Nghiên cứu đánh giá ô nhiễm làng nghề cơ khí và xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề tại xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định” và xây dựng mô hình với năng lực xử lý 1m3/ngày đêm, rất phù hợp với quy mô của các hộ, cơ sở sản xuất trong các làng nghề của tỉnh và khả năng nhân rộng cao do giá thành đầu tư hợp lý…

Ngoài đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, Sở KH và CN còn chú trọng việc hỗ trợ đưa các sản phẩm KH và CN mới áp dụng vào sản xuất, kinh doanh để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp về thúc đẩy thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và nhanh chóng tiếp thu, phát triển công nghệ số, tập trung lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh để ưu tiên phát triển và triển khai các mô hình thí điểm tạo động lực lan tỏa. Thực hiện dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh”, Sở KH và CN đã hỗ trợ 48 đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và hệ thống quản lý chất lượng VietGAP; 15 đơn vị áp dụng công cụ quản lý chất lượng LEAN, Kaizen, 5S; 75 đơn vị công bố chất lượng sản phẩm phù hợp với các quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 như: Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (QCVN) và xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở… Từ năm 2019 đến nay, Sở KH và CN đã hỗ trợ khoảng 200 lượt tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu cho nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích; thiết kế và xây dựng website quảng bá sản phẩm; đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… theo Nghị quyết số 42/2017 và Nghị quyết số 77/2022 của HĐND tỉnh.

Thông qua hoạt động hỗ trợ của ngành KH và CN, nhiều công nghệ mới được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng thành công giúp nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn và hoạt động của làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề mới… Trong đó, lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo đã có nhiều nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao vào thực tiễn, tạo ra các sản phẩm thay thế dần các dây chuyền công nghệ nhập khẩu. Điển hình là công nghệ nấu luyện thép hợp kim chất lượng cao tạo ra các sản phẩm thép hợp kim giá thành chỉ bằng 40-50% giá nhập khẩu; công nghệ ép thủy lực song động để sản xuất gạch ống - xi măng cốt liệu (gạch không nung) với công suất 10 triệu viên/năm đạt tiêu chuẩn TCVN 6477:2011; công nghệ, chế tạo máy chế biến lâm sản phay mộc đa năng PĐN-5 cung cấp cho các tỉnh, thành phố trong cả nước… Bên cạnh sự hỗ trợ của các sở, ngành, nhiều doanh nghiệp đã chủ động cải tiến dây chuyền công nghệ dựa trên các công nghệ mới, hiện đại trong các lĩnh vực sản xuất: phụ tùng máy móc, đóng tàu và cấu kiện nổi, đúc sắt thép, mua bán thiết bị điện - điện tử; rèn, dập, ép và cán kim loại; sản xuất bao bì, dệt may… Điển hình là Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định tập trung đầu tư, đổi mới, đưa các thiết bị hiện đại vào sản xuất theo hướng xanh hóa và sản xuất tuần hoàn với các nhà máy kéo sợi, dệt đến hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ RO, hệ thống tự động pha hóa chất thuốc nhuộm, hệ thống lò hơi theo công nghệ mới nhằm tiết giảm điện năng… Qua đó, khai thác hiệu quả lợi thế sản xuất theo chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm hoàn chỉnh và chủ động liên kết với một doanh nghiệp tại Nhật Bản sản xuất cho đối tác mỗi năm khoảng 8.000 tấn vải cao cấp may áo vest.

Có thể nói, hoạt động KH và CN đã góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cơ hội tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến giúp nâng cao chất lượng sản phẩm; đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp theo hướng hiệu quả. Từ đó gia tăng hàm lượng KHCN trong sản phẩm, dịch vụ cung cấp, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng thị hiếu khách hàng, đảm bảo khả năng tiêu thụ sản phẩm, củng cố thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh từng bước được thiết lập và mở rộng, đáp ứng các yêu cầu và mục tiêu phát triển của tỉnh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com