Sen hồng: Ứng viên số 1 Quốc hoa Việt Nam

09:01, 21/01/2011

“Lễ hội hoa xuân và đồ uống Tết năm 2011” diễn ra từ 25 đến 30-1 do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức tại Trung tâm triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội (Trung tâm TLVHNT). Nét đặc biệt ở lễ hội này là việc Bộ VH-TT&DL sẽ lấy ý kiến nhân dân về Quốc phục, Quốc hoa và Quốc tửu Việt Nam. Trong đó, hoa sen (màu hồng) là ứng viên số 1 của Quốc hoa Việt Nam.

Quốc phục, Quốc tửu…có cần thiết?

Bà Nguyễn Thị Hoa - Phó giám đốc Trung tâm TLVHNT Việt Nam cho biết, ba năm qua, Trung tâm liên tục phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức lễ hội hoa xuân và đồ uống, nhằm thu hút những tinh hoa của 54 dân tộc Việt Nam, trong đó có việc chọn lựa các loại rượu ngon - đặc sản từ các vùng, miền để tuyển chọn nên một loại rượu làm Quốc tửu phục vụ trong các lễ hội, đại lễ của đất nước cũng như thiết đãi các nguyên thủ quốc gia trong những chương trình ngoại giao. Bà Hoa cũng nhấn mạnh, tuyển chọn được loại rượu để làm Quốc tửu là hết sức cần thiết, chính vì thế, ngoài việc tổ chức lễ hội đồ uống tại Hà Nội đến nay là lần thứ ba, thì trong năm nay, BTC sẽ đưa lễ hội này vào thành phố Hồ Chí Minh, tiếp nối sẽ là ở miền Trung… Triển lãm về rượu sẽ được tổ chức ở khắp vùng, miền để tìm Quốc tửu.

Vậy cần thiết phải có Quốc tửu hay không là thắc mắc của giới truyền thông tại cuộc họp báo. Vì dẫn chứng trong các vụ tai nạn giao thông hiện nay của Việt Nam, con số tai nạn liên quan đến rượu là lớn nhất. Không nhất thiết trong quá trình hội nhập quốc tế phải có Quốc tửu thì bạn bè quốc tế mới biết đó là Việt Nam…

Với việc chọn Quốc phục, Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh được giao là đơn vị lập đề án. Thực tế, từ mươi, mười lăm năm trở về trước đã có nhiều cuộc thi thiết kế thời trang để tìm Quốc phục Việt Nam; nhà nghiên cứu Trịnh Cung từng công bố bộ sưu tầm thời trang các triều đại của mình để góp thêm ý kiến cho việc thiết kế Quốc phục Việt Nam… Nhưng mọi hoạt động đó đều thất bại vì còn nhiều ý kiến đa chiều.

Lễ hội lần này sẽ dành hẳn một không gian để trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến trang phục. Trong đó phải kể đến là các hình ảnh quý, trang phục của các triều đại thời Lý - Trần - Lê; trang phục, lễ phục của vua, quan triều Nguyễn; hình ảnh về trang phục, lễ phục sử dụng tại Hội nghị APEC, ASEAN là Lễ hội đền Hùng. Theo một “lộ trình” rất bài bản, thì sẽ có cuộc thi tổ chức thiết kế với sự tham gia của hàng trăm nhà thiết kế, công ty thời trang… sau đó thành lập hội đồng tuyển chọn, triển lãm lấy ý kiến của nhân dân và công bố Quốc phục.

Có nhiều ý kiến cho rằng, ngót thế kỷ nay, áo dài đã trở thành biểu tượng của Việt Nam. Ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, mỗi khi thấy áo dài xuống phố, bạn bè quốc tế biết ngay đó là Việt Nam. Vì thế, hãy coi đó như là Quốc phục của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạ sỹ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh khẳng định, áo dài mới chỉ dành cho phụ nữ. Lâu nay, trong các chương trình ngoại giao, các nguyên thủ (hầu hết là nam) bắt buộc phải mặc quốc phục để trình quốc thư cũng như thực hiện các ký kết quan trọng. Nếu nước nào không có quốc phục thì thuê áo đuôi tôm, thuê những bộ ấy có giá từ 2.000 đến 3.000 USD cho một lần. Trong khi đó, văn hoá Việt Nam đủ yếu tố để có Quốc phục. Vậy nên, Quốc phục là nhu cầu cần thiết khi Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới.

Sẽ là một thách đố với các nhà thiết kế, khi những nhà lập đề án Quốc phục cho rằng bước đầu phải thiết kế được Quốc phục cho các nhà lãnh đạo, nguyên thủ mặc trong những đại lễ, ngoại giao hội nhập. Còn người dân thấy phù hợp và ngày càng phổ cập thì đó là điều tốt!? Khi nghe điều này, người viết chợt nhớ một câu nói của nghệ sĩ vào vai Nguyễn Trãi trong vở chèo “Oan khuất một thời”: Khi dân được mùa ấm no hạnh phúc, dân sẽ thấy vui vẻ mà hát ca, đó là lễ nhạc. Liên hệ với việc chọn Quốc phục, nếu không phổ biến trong nhân dân, không được nhân dân yêu thích mặc trên người… thì có phải là Quốc phục không?

Hoa sen được chọn?

Ngày 21-4-2010, Bộ VH-TT&DL ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Biên soạn đề án Quốc hoa Việt Nam. Một cuộc hội thảo về Quốc hoa được tổ chức. Kết quả thăm dò ý kiến nhân dân (qua mạng internet) được thống kế: Hoa sen 40,3%, hoa mai 33,6%, cây tre 9,5%, hoa gạo 0,6%, hoa cau 1,8%… Như vậy, hoa sen là ứng viên có số phiếu cao nhất.

Để lấy công bằng, trong “Lễ hội hoa và đồ uống Tết 2011”, BTC sẽ mở cuộc trưng cầu ý kiến trực tiếp của người dân, khi đưa hoa sen là đề cử của Quốc hoa Việt Nam. Liên quan đến cuộc bầu chọn này, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức như: Hoa sen trong tâm linh văn hoá - thể hiện sen trong nghi lễ thờ cúng của khu kiến trúc Chùa Một Cột - Liên hoa đài tại khu vực trung tâm; Hoa sen trong mỹ thuật truyền thống người Việt; Trung bày các biểu tượng hoa sen trên cổ vật Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử Lý, Trần, Lê, Nguyễn; triển lãm ảnh “Sen Việt”; trưng bày các tác phẩm nghệ thuật thủ công truyền thống có hình tượng sen… Chương trình bầu chọn Quốc hoa sẽ kết thúc bằng đêm hội “Hồn sen Việt” diễn ra tối 29-1 với phần công bố kết quả bầu chọn Quốc hoa.

Hoạ sĩ Vi Kiến Thành - thành viên Ban soạn thảo đề án Quốc hoa khẳng định, hoa sen hồng “nhân vật” được đưa ra để lấy ý kiến trực diện của công chúng là một loài hoa tiêu biểu về mọi góc độ của Việt Nam. Vượt trên nhiều ứng viên khác, hoa sen hồng đáp ứng được khả năng toàn vẹn tiêu chí về lựa chọn Quốc hoa Việt Nam mà Ban soạn thảo đề án đã đưa ra. Đặc biệt, sen hồng từ lâu đã đi vào tâm thức của hàng triệu người dân Việt Nam như một biểu tượng của bản sắc văn hoá, cốt cách và tinh thần dân tộc, ý chí và nguyện vọng của người Việt Nam qua nhiều thế hệ./.

Vương Hà

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com