Nghệ thuật làm trống bỏi ở Báo Đáp

02:10, 28/10/2016

Trong các loại đồ chơi truyền thống, những âm thanh đanh gọn, vui tai của chiếc trống bỏi đã trở thành ký ức tuổi thơ của bao người. Ở tỉnh ta nghệ thuật làm trống bỏi đã có từ lâu và vẫn được gìn giữ bởi bàn tay tài hoa của các thế hệ nghệ nhân làng nghề.

Chị Nguyễn Thị Anh, con ông Nguyễn Đức Hưởng, xóm 2, làng Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) hướng dẫn học sinh làm trống bỏi tại Bảo tàng tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Anh, con ông Nguyễn Đức Hưởng, xóm 2, làng Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) hướng dẫn học sinh làm trống bỏi tại Bảo tàng tỉnh.

Về xóm 2, làng Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực), chúng tôi gặp ông Nguyễn Đức Hưởng - người đã làm trống bỏi từ hơn 50 năm nay. Ông là một trong số ít những người trong làng làm được tất cả các công đoạn để chế tác trống bỏi. Sinh năm 1960 trong gia đình có truyền thống 4 đời làm những món đồ chơi truyền thống, mới 6 tuổi, cậu bé Hưởng đã được cha dạy làm trống bỏi. Mang đam mê và ước vọng từ thuở nhỏ, khi trưởng thành, ông xác định sẽ gắn bó lâu dài với nghề. Ông cho biết: Đặc thù của những món đồ chơi dân gian chính là sự mộc mạc từ nguyên liệu tạo hình đến màu sắc. Trống bỏi có kết cấu khá đơn giản, gồm các bộ phận: cán, tang, mặt, khung, tay trống… Trước kia, cán trống làm bằng tre, đầu cán gắn 2 miếng nhôm đan nhau tạo thành 4 bánh răng gạt tay trống. Dây buộc tay trống là dây gai hoặc chỉ. Tang trống làm bằng ống nứa rỗng, bịt kín bằng miếng giấy. Khoảng 20 năm nay, vật liệu sử dụng làm trống bỏi ở Báo Đáp có sự thay đổi. Tang trống được làm bằng đất sét. Đất sét ở ngoài ruộng phải được lấy từ sáng sớm, khi còn ngấm sương nên dẻo quánh và dễ tạo hình. Những cục đất sét sau đó được chia nhỏ nặn thành hình tròn rỗng có kích cỡ lớn hơn đồng xu, cắm 2 que sắt vào hai bên sườn rồi đem phơi khô. Với những ngày hè, chỉ cần phơi 2 tiếng đất sẽ khô, nếu để “quá nắng” đất khô giòn và không bền. Với những đợt mưa nhiều, việc sản xuất trống bỏi bị gián đoạn bởi đất còn ẩm khi dán giấy trống sẽ bị mủn và nhanh hỏng. Tang trống sau khi phơi khô được đem bọc lại bằng các loại giấy màu. Để dán giấy, người thợ làng Báo Đáp sử dụng hồ dán nấu bằng bột gạo nếp. Gạo được ngâm với nước mưa trong 3-4 tiếng, sau đó đãi sạch, giã mịn thành bột, cho nước vừa đủ và đun nhỏ lửa…, tạo thành chất hồ sền sệt, để nguội rồi sử dụng. Sau khi bọc xong tang trống là đến khâu bọc mặt trống. Mặt trống bao gồm hai lớp, giấy bìa với độ dày vừa phải nằm bên dưới, giấy trắng được nhuộm vàng và bên trên in hình ông sao năm cánh màu đỏ bằng dấu gỗ thủ công. Để tiếng trống phát ra đanh, vang rõ, có hồn, người thợ phải dán mặt trống thật kín; nếu mặt trống có khe hở sẽ nhanh bị rách và chỉ phát ra tiếng “bộp bộp”. Tay trống trước đây là một que nứa mảnh dài khoảng 3cm được cố định bằng dây ni lông gắn với 2 que sắt, nay được thay bằng cán nhựa. Nhận thấy việc làm cán trống bằng tre có nhiều hạn chế như phải qua nhiều công đoạn xử lý, đặc biệt để tạo bánh răng chuyển động gạt tay trống ông phải đi thu mua những hộp sữa kim loại ở nhiều nơi, sau đó về cắt thủ công… Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, ông đã nghĩ ra cách hoán cải khuôn máy làm hoa nhựa thành khuôn làm cán trống. Chính cải tiến này đã giúp việc chế tác trống bỏi của gia đình ông không bị gián đoạn. Hiện nay, gia đình ông là hộ duy nhất ở làng Báo Đáp làm trống bỏi quanh năm, trong đó cao điểm nhất là dịp Tết Trung thu. Nhiều thương lái biết đến gia đình ông Hưởng đã về đặt hàng để tiêu thụ ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh. Với mong muốn duy trì nghề làm trống bỏi, ông đã nhận dạy miễn phí hàng chục người ở khắp các địa phương tới học cách chế tác. Những người tới học đều được ông chỉ bảo tận tình, giúp đỡ cả về nguyên liệu để học và tìm hướng tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên theo ông Hưởng, đa phần những người tới học vì tò mò muốn tìm hiểu về trống bỏi chứ chưa ai xác định theo nghề bởi đây là nghề “lấy công làm lãi”, giá bán buôn chỉ 1.500 đồng/chiếc, trừ chi phí tính ra chỉ lãi vài trăm đồng/chiếc nên nhiều người không muốn theo đuổi nghề này. Điều đáng mừng là trong số 5 người con của ông có 4 người biết làm nghề. Chị Nguyễn Thị Anh (22 tuổi) là con thứ 3 của ông Hưởng chia sẻ: “Làm trống bỏi đã rèn luyện tôi đức tính kiên nhẫn. Khi cầm một sản phẩm hoàn thiện trên tay và cảm nhận được niềm vui của mỗi em nhỏ khi chơi trống bỏi là tôi cảm thấy hạnh phúc". Vừa qua, tại Hội trại “Trung thu xưa và nay” được Bảo tàng tỉnh tổ chức, chị Nguyễn Thị Anh đã đại diện cho gia đình làm khách mời để giới thiệu tới các em học sinh nghệ thuật chế tác trống bỏi. Chị Tâm, phụ huynh một học sinh tham dự Hội trại chia sẻ: “Tôi như sống lại tuổi thơ khi nghe âm thanh đanh đanh của trống bỏi Báo Đáp. Nếu không có những chương trình hay các lớp dạy cách làm đồ chơi dân gian thì chẳng bao lâu thế hệ con em sẽ không biết đến trống bỏi, tiến sĩ giấy, đèn kéo quân… Với mong muốn góp sức để quảng bá nghệ thuật chế tác trống bỏi Báo Đáp vang xa hơn, hằng năm vào dịp Tết Trung thu, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đều mời ông Nguyễn Đức Hưởng trực tiếp hướng dẫn làm trống bỏi cho thiếu nhi. Mỗi dịp lên Thủ đô như thế, ông đều tới các tuyến phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Mã, Hàng Giấy… để tìm hiểu thị trường. Hình ảnh những chiếc trống bỏi được bày vào mẹt, người bán vừa quảng cáo “trống bỏi làng Báo Đáp” vừa quay chiếc trống bỏi trên tay đã thu hút nhiều người đến mua, điều đó khiến những người làm nghề như ông cảm thấy ấm lòng.

Chia tay gia đình ông Nguyễn Đức Hưởng, trên đường làng Báo Đáp chúng tôi vẫn nghe tiếng trống bỏi đanh đanh từng nhịp trên tay các em nhỏ. Những âm thanh, hình ảnh quen thuộc như thế chính là động lực để những người chế tác trống bỏi như gia đình ông Hưởng vững tin sẽ gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của quê hương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com