Những ngôi đền cổ ở Xuân Trường

02:10, 28/10/2016

Huyện Xuân Trường hiện có 33 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước công nhận xếp hạng (10 di tích cấp quốc gia, 23 di tích cấp tỉnh), trong đó, có gần 20 ngôi đền cổ có giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Tiêu biểu như: Đền Kiên Lao (xã Xuân Kiên), Đền Ngọc Tiên (xã Xuân Hồng), Đền Thọ Vực (xã Xuân Phong), Đền Hạc Châu (xã Xuân Châu), Đền Xuân Hy (xã Xuân Thuỷ), Đền Xuân Bảng (xã Xuân Hùng), Đền An Cư (xã Xuân Vinh)…

Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đền Xuân Bắc, xã Xuân Bắc.
Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đền Xuân Bắc, xã Xuân Bắc.

Những ngôi đền cổ là chốn thiêng liêng và là nơi bảo lưu, gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hoá quê hương. Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, những ngôi đền cổ ở Xuân Trường còn mang ý nghĩa lịch sử nhằm tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, khai hoang, lấn biển, lập ấp ở quê hương… Đền Kiên Lao (xã Xuân Kiên) là di tích thờ các nhân vật lịch sử: Trần Hưng Đạo, Triệu Việt Vương và hai vị tướng Nguyễn Phúc, Nguyễn Lộc có công chống giặc ngoại xâm. Ngoài ra, tại Đền Kiên Lao còn thờ 13 vị tổ của các dòng họ: Nguyễn, Lương, Trần, Phạm, Đào, Đinh, Trịnh, Đỗ, Mai, Ngô, Lê, Đặng, Vũ, là những người có công đầu trong cuộc khai hoang, lấn biển thành lập nên mảnh đất này. Trên khuôn viên rộng hơn 5 mẫu, Đền Kiên Lao có kiến trúc theo kiểu chữ Nhị gồm hai tòa: Tiền đường (5 gian) và cung cấm (3 gian). Hiện nay, di tích này còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc thể hiện tay nghề cao của các vị tiền nhân, nhiều cổ vật, cổ thư từ thế kỷ XVII-XVIII. Trong cung cấm thờ Trần Hưng Đạo hiện còn lưu giữ bài vị ghi dòng chữ: “Trần Triều hiển thánh chánh Thái sư Thượng quốc công Nhân vũ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tặng phong chí trung đại nghĩa hùng huân vĩ liệt thượng đẳng thần” (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là vị thượng đẳng thần, hết mực trung thành vì nghĩa lớn, có công lao to lớn, sáng ngời Vương triều Trần). Với giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, di tích Đền Kiên Lao đã được Bộ VH, TT và DL xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 1995. Để phát huy giá trị của di tích, hằng năm, tại di tích Đền Kiên Lao, dân làng tổ chức lễ hội truyền thống và tổ chức kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa của đức Vua Triệu Việt Vương và Đại lễ Phật đản để bày tỏ lòng tri ân công đức đối với các bậc tiền nhân được thờ phụng tại di tích. Đền Thọ Vực (xã Xuân Phong) là di tích lịch sử - văn hóa không chỉ có kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà còn lưu giữ nhiều văn tự chữ Hán, nội dung nói về truyền thống, văn hóa của nhân dân nơi đây gắn liền với công cuộc khai hoang, tạo lập làng xã diễn ra vào những năm đầu thế kỷ XV. Qua các tư liệu như thần tích, văn bia, sắc phong, câu đối, đại tự hiện lưu giữ tại di tích, vào khoảng niên hiệu Hồng Đức thời Vua Lê Thánh Tông (1470-1497) có vị thủy tổ tên là Cầm Phúc cùng 6 vị tổ các dòng họ: Nguyễn, Phạm, Vũ, Lê, Đinh, Đặng từ vùng đất Hà Đông xuống đây khẩn hoang, lập ấp. Lễ hội truyền thống tại đền được tổ chức hằng năm vào tháng Giêng âm lịch đã trở thành nét đẹp văn hóa, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân. Đền làng Hạc Châu (xã Xuân Châu) là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đền được xây dựng năm 1599, thờ vị công thần Nguyễn Văn Ích thời Lê Trung Hưng và các vị thiên thần: Đông Hải đại vương, Nam Hải đại vương, Thủy thần Nam vương. Đền Hạc Châu tọa lạc trên diện tích gần 3.000m2, gồm các hạng mục: tòa tiền đường có 3 gian 2 chái, nghi môn xây theo kiến trúc tứ trụ và sân đền, hệ thống nhang án, bát bửu mang đậm phong cách thời Nguyễn. Đặc biệt, Đền Hạc Châu hiện lưu giữ 34 đạo sắc phong, trong đó, có 3 đạo sắc phong có niên hiệu Thiệu Trị 4 (1844).  Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa bảo tồn di tích, hằng năm việc tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 13-3 âm lịch được Ban quản lý di tích xã Xuân Châu tiến hành đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông. Đền An Cư (xã Xuân Vinh) là di tích được nhân dân địa phương xây dựng để ghi dấu công lao khai hoang lấn biển do vị thủy tổ Phúc Diễn khởi xướng vào những năm cuối thế kỷ XIV. Công lao của thủy tổ Phúc Diễn đối với nhân dân nơi đây vô cùng to lớn, nên sau khi mất ông được suy tôn là “Khai cơ tổ” (ông tổ mở mang miền đất mới). Nhân dân thờ phụng ông như một vị thần ở trong đền. Bên cạnh các giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc, hằng năm vào các ngày 6, 7 tháng Giêng âm lịch nhân dân thôn An Cư lại tưng bừng tổ chức lễ hội. Trong hội làng An Cư diễn ra môn thể thao truyền thống là đấu vật và bơi chải. Từ xa xưa, sới vật An Cư đã rất nổi tiếng, vào ngày này, có nhiều đô vật từ nhiều địa phương về đăng ký tham gia thi đấu như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tây, Hải Phòng... Do đó hội làng An Cư luôn luôn náo nhiệt mang tinh thần thượng võ của một làng quê ven biển. Đền Xuân Hy (xã Xuân Thuỷ) là nơi ghi dấu công lao khai hoang lấn biển của tướng quân Ngô Miễn vào cuối thời Trần. Hằng năm vào các ngày từ 20 đến 22 tháng 8 âm lịch, nhân dân làng Xuân Hy lại vui mừng tổ chức lễ hội để bày tỏ lòng biết ơn các vị thủy tổ có công khai sáng. Nét đặc trưng trong hội làng Xuân Hy là trò chơi thổi cơm thi. Đây là trò chơi nhằm tái diễn cảnh lao động khó khăn vất vả của các vị thủy tổ ở miền đất mới.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hoá tại những ngôi đền cổ đã được công nhận và xếp hạng, những năm qua, huyện Xuân Trường thường xuyên tuyên truyền Luật Di sản văn hoá, thực hiện có hiệu quả các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Các địa phương có di tích tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chính sách về công tác xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, du lịch lễ hội tâm linh; chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm môi trường văn hóa nơi tổ chức lễ hội. Khuyến khích việc tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, khôi phục các trò chơi, hình thức diễn xướng dân gian nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống. Đẩy mạnh xã hội hóa để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước để tu bổ di tích, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương, nâng cao nhận thức, đạo đức, lối sống cho thế hệ hôm nay và mai sau./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com