Độc đáo các di tích thờ "tiền Phật hậu Thánh"

03:11, 18/11/2016

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục di tích thờ “tiền Phật hậu Thánh”, trong đó nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng như: Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng; Chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường); Chùa Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); các ngôi chùa ở Nam Trực như: Chùa Đại Bi, Thị trấn Nam Giang; Chùa Cổ Ra, Chùa Thọ Tung, xã Nam Hùng; Chùa Thôn Nội, xã Nam Thanh; Chùa Thanh Am, xã Nam Toàn…

Chùa Thôn Nội, xã Nam Thanh (Nam Trực) thờ “tiền Phật hậu Thánh”.
Chùa Thôn Nội, xã Nam Thanh (Nam Trực) thờ “tiền Phật hậu Thánh”.

Các di tích thờ “tiền Phật hậu Thánh” có nhiều điểm đặc sắc như: Nhân vật được phụng thờ, nghệ thuật kiến trúc và lễ hội. Về việc thờ phụng, các di tích thờ “tiền Phật hậu Thánh” ngoài thờ Phật còn thờ Thánh. Các vị Thánh được thờ ở các di tích trên hầu hết là các vị thiền sư, cao tăng có công với nước, với dân, tạo lập làng xã. Tiêu biểu như các vị thiền sư: Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không, Nguyễn Giác Hải… Về nghệ thuật kiến trúc, các di tích thờ “tiền Phật hậu Thánh” thường có quy mô lớn, kiến trúc có sự giao thoa giữa dáng dấp của chùa và đền, các mảng chạm khắc đa dạng phối hợp hài hòa các đề tài Phật giáo và dân gian. Chùa Đại Bi ngoài thờ Phật còn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Thiền sư Giác Hải, Đức Bồ Đề Đạt Ma và thờ Mẫu. Chùa có lối kiến trúc nội công ngoại quốc với 60 gian phần lớn làm bằng gỗ lim. Toàn bộ di tích được bố cục cân đối, chắc khỏe. Từ ngoài nhìn vào, chùa được nâng cao dần trong kiến trúc và trải rộng ra, đồ sộ theo một trục chính khiến tổng thể công trình có thế vươn lên. Tam quan của chùa được xây chếch về phía đông. Những chạm khắc ở tam quan mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, là những bức chạm lộng cả hai bên như bức chạm khắc hình lá cúc mang tính cách điệu, trên đỉnh của hình chạm là hình tượng một người phụ nữ trong tư thế hai tay chắp trước ngực. Ngoài ra trên ván xà, xà nách còn chạm khắc hình rồng, phượng có cùng phong cách chạm khắc. Ở cung thờ Từ Đạo Hạnh còn lại một số cấu kiện kiến trúc cuối thế kỷ XVII. Những mảng chạm khắc chủ đạo ở đây là hình tượng rồng làm người ta liên tưởng tới truyền thuyết về sự tái sinh của Từ Đạo Hạnh trở thành Vua Lý Thần Tông sau này, làm tăng thêm ý nghĩa cho kiến trúc hậu cung nơi thờ Từ Đạo Hạnh - một trong ba vị thánh tổ nước ta thời Lý... Chùa Thôn Nội, xã Nam Thanh (Nam Trực) ngoài thờ Phật còn thờ Thánh tổ Nguyễn Minh Không. Tam quan chùa có 3 tầng làm theo kiểu chồng diêm. Công trình chùa được dựng chính giữa theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” với các hạng mục: tiền đường, trung đường, tam bảo, cung cấm. Tòa tiền đường gồm 5 gian, toàn bộ phần mái được nâng đỡ bởi hệ thống cột trụ, xây bằng gạch. Hai gian bên hồi đặt 2 pho tượng Hộ Pháp. Phong cách này tạo sự cao ráo, vững chắc cho tòa tiền đường. Tòa trung đường gồm 5 gian có bộ khung bằng gỗ lim được liên kết chính ở vì nóc, vì nách và liên kết hiên. Tam bảo và tòa cung cấm làm theo kiểu trùng thềm. Bảo vệ cung cấm là bộ cửa bức bàn bằng gỗ lim đặt trên hệ thống con quay thuận tiện cho việc đóng mở. Tòa cung cấm đặt khám và tượng thờ Đức Thánh Tổ được tạc trong tư thế ngồi buông chân, khuôn mặt hiền từ. Những đường nét chạm khắc trên tượng mềm mại, tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII. Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) thờ Phật và thờ Thiền sư Không Lộ (tên húy là Dương Minh Nghiêm). Thiền sư Không Lộ là vị tổ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông và là vị tổ đời thứ 3 của thiền phái Thảo Đường Việt Nam, nổi tiếng là người có nhiều tài năng trong các lĩnh vực: thơ, y thuật, đúc đồng, kiến trúc... Chùa Keo Hành Thiện trải dài trên một trục trung tâm là các tòa thờ Phật, thờ Thánh. Trong lòng kiến trúc là hai điện thờ đều được dựng theo dạng mặt bằng hình chữ “công” tạo nên kiến trúc chữ “công” kép độc đáo trong số các kiểu dựng chùa của thế kỷ XVII. Kế ngay điện thờ Phật là khu thờ Thánh Không Lộ Thiền sư cũng có mặt bằng hình chữ “công” tạo nên dạng thức kiến trúc “tiền Phật hậu Thánh” độc đáo. Từ khối kiến trúc mở của khu thờ Phật cho đến lối kiến trúc hoàn toàn đóng kín đã tạo nên sự thâm nghiêm cho khu thờ Thánh. Lối trang trí kiến trúc này đã phản ánh rõ quan niệm thờ tự của người Việt trong kiến trúc: Phật điện là sự giản dị như tinh thần Phật giáo muốn tìm đến bản thể chân tâm. Thánh điện là sự huyền bí tạo ra một cõi tiên giới trên phàm trần. Chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) thờ Phật và các vị Thánh Tổ: Giác Hải thiền sư, Không Lộ thiền sư… Chùa được xây theo kiểu “nội công ngoại quốc”, quay mặt về hướng tây. Tổng thể công trình bao gồm nhiều hạng mục tương đối quy mô bề thế còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc thời Hậu Lê thế kỷ XVII-XVIII. Phía trước chùa là hệ thống tam quan xây kiểu chồng diêm ba tầng, hai tầng trên hiện treo chuông và khánh. Sau tam quan, qua một sân rộng lát gạch là tòa giải vũ. Giải vũ xây dựng vào triều Vua Thành Thái năm thứ nhất (1889) với quy mô 5 gian cao rộng. So với di tích khác, giải vũ chùa Nghĩa Xá còn được dân làng dùng làm nơi hội họp, là nơi nghỉ ngơi cho tín đồ phật tử trước khi vào chùa lễ Phật. Giải vũ chùa Nghĩa Xá có chức năng như một ngôi đình của cộng đồng dân cư. Sau giải vũ là chùa chính. Công trình được dựng kiểu chữ “công”: Bái đường 7 gian, trung đường 4 gian và thượng điện 7 gian dài. Bài trí nơi thờ tự được phân bổ theo kiểu: “tiền Phật hậu Thánh”. Hiện nay tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị bao gồm: tượng pháp, văn bia, chuông khánh, kiệu bát cống, chân tảng đá cánh sen, sập thờ... mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Cùng với đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc, các lễ hội được tổ chức ở các di tích thờ “tiền Phật hậu Thánh” có nhiều nghi thức độc đáo và hoạt động văn hóa đa dạng. Lễ hội chùa Đại Bi được bắt đầu từ ngày 21 đến ngày 24 tháng Giêng âm lịch hằng năm, trong đó có nhiều nghi lễ nhà Phật hoà nhập với tín ngưỡng dân gian như: Lễ phát tấu, theo nghi lễ nhà Phật, rước kiệu của các thôn Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba lên sân chùa. Múa rối đầu gỗ (ổi lỗi) diễn xướng thần tích của Thánh, lẽ sống nhân sinh, đạo lý của con người. Tổ chức các trò chơi dân gian chọi gà, đấu vật, đánh đu, cờ người... đến ngày 24 hết hội, có lễ tạ Thánh. Lễ hội chùa Keo Hành Thiện diễn ra từ mùng 9 đến 15-9 âm lịch hằng năm với nhiều nội dung như lễ rước, lễ dâng hương, bơi chải, cờ tướng, tổ tôm điếm, leo cầu ngô, bắt vịt ở hồ, rước đèn truyền thống, biểu diễn văn nghệ và một số sinh hoạt mang sắc thái văn hóa tinh thần của cư dân nông nghiệp. Tại chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) vào ngày 15-3 âm lịch các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, chùa mở lễ hội cúng Phật và rước kiệu các vị Thánh tổ ra ngự ở giải vũ. Sau phần nghi lễ cúng bái Phật Thánh là phần hội chủ yếu là bơi chải cạn và múa rối hề nước. Ở chùa Cổ Ra, xã Nam Hùng (Nam Trực) vào ngày 10 tháng Giêng hằng năm tổ chức lễ hội truyền thống, trong đó phần hội có nhiều hoạt động văn hóa như: tổ tôm, hát chèo, ca trù…

Các di tích thờ “tiền Phật hậu Thánh” đã thể hiện phong cách kiến trúc nghệ thuật và đời sống văn hóa tâm linh của người dân qua các thời kỳ. Trải qua thời gian, những di tích thờ “tiền Phật hậu Thánh” vẫn được nhân dân các địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ, thể hiện lòng thành kính trước những di sản văn hóa truyền thống, tôn vinh nét tài hoa và trí tuệ của tiền nhân./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com