Vụ đông năm 2010 Đôi điều cần bàn (kỳ II)

09:01, 21/01/2011

II - Những vấn đề đặt ra

Vụ đông năm 2010 về cơ bản đã giành thắng lợi khá toàn diện cả về  diện tích, năng suất và hiệu quả. Tuy nhiên, so với yêu cầu mở rộng sản xuất vụ đông thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Về diện tích có tăng nhưng không nhiều, chỉ đạt 16.019ha, bằng 94% kế hoạch. Với phương châm mở rộng diện tích vụ đông trên đất cấy hai vụ lúa trong năm thì vụ đông năm 2010 còn giảm so với năm 2009. Năm 2010 diện tích vụ đông trên đất cấy hai vụ lúa chỉ đạt 5.217ha, giảm 564ha so với năm 2009. Trong số 10 huyện, thành phố, ngoài huyện Xuân Trường và Trực Ninh diện tích vụ đông trên đất 2 lúa tăng hơn năm 2009 (Xuân Trường tăng 472ha, Trực Ninh tăng 99ha), huyện Nam Trực không tăng, còn lại đều giảm so với năm 2009. Cụ thể: Ý Yên giảm 700ha, Vụ Bản giảm 220ha, Nghĩa Hưng giảm 130ha, Hải Hậu giảm 70ha, Giao Thuỷ giảm 50ha… Muốn mở rộng diện tích vụ đông phải mở rộng diện tích trồng trên đất cấy hai vụ lúa. Thực tế nhiều cây vụ đông trồng trên đất cấy hai vụ lúa cho giá trị thu nhập cao, dễ tiêu thụ như cây cà chua, cà chua nhót, dưa chuột, dưa chuột bao tử, bí xanh… và nhiều cây dễ mở rộng vì dễ làm, tốn ít công trồng và chăm sóc như cải dầu, đậu tương… Riêng cây đậu tương ngoài hiệu quả kinh tế còn góp phần cải tạo đất rất tốt, rất phù hợp với phương pháp luân canh tăng vụ trong điều kiện thiếu phân chuồng, thiếu phân hữu cơ.  Bên cạnh một số cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở vụ đông này diện tích được mở rộng như cà chua tăng 583ha, khoai tây tăng 125ha, bí xanh tăng 72ha… thì cây dưa chuột bao tử lại giảm tại các HTX phía bắc tỉnh có truyền thống trồng nhiều năm nay như Minh Thành, Duy Tân, Minh Tân (Vụ Bản) mà cây dưa chuột bao tử vụ đông nhiều năm nay đều cho thu nhập cao nhất nhì trong các cây vụ đông, thường đạt trên 100 triệu đồng/ha. Hiện tại, cây dưa chuột chưa thu hoạch hết, mới thu 70-80% đã có nguồn thu trên dưới 100 triệu đồng/ha, nếu thu hết khả năng sẽ đạt 130 triệu đồng/ha. Đặc biệt, trong đợt đầu tháng 1-2011 rét sâu, cây dưa chuột bao tử “hồi” lại vừa cho nhiều quả, vừa cho nhiều đợt thu hoạch tiếp. Một số cây gieo trồng vụ đông đầu tư thấp, không tốn công chăm sóc, bảo vệ, dễ trồng, không kén đất, chủ yếu trồng trên đất cấy hai vụ lúa, một hộ có thể trồng cả chục ha như đậu tương, cải dầu cũng chưa được nhân lên. Cây đậu tương vụ đông năm nay tuy tăng khá nhưng có 3 huyện diện tích trồng giảm hơn so với vụ đông năm 2009 như: Trực Ninh giảm 48ha, Hải Hậu giảm 47ha, Vụ Bản giảm 42ha. Đặc biệt cây cải dầu là cây có khung thời vụ rộng, dễ trồng hơn đậu tương, thu  nhập gấp 2 lần trồng đậu tương đông (vụ đông 2009 đậu tương cho tổng thu 18,2 triệu đồng/ha, cây cải dầu cho thu 38 triệu đồng/ha) được đưa vào trồng ở Hải Hậu vụ đông năm 2007 trên chân đất cấy hai vụ lúa với 82ha. Năm 2008 diện tích cải dầu của Hải Hậu đã đạt 117ha và năm 2009 mở rộng lên gần 300ha, nhưng vụ đông này cả tỉnh chỉ trồng 125ha (Hải Hậu 120ha, Nghĩa Hưng 5ha), giảm tới quá nửa so với diện tích trồng của huyện Hải Hậu trong vụ đông năm 2009(?). Một số cây trồng vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao nhưng vụ đông này nhiều địa phương diện tích lại giảm như cây bí xanh Trực Ninh giảm 19ha, Hải Hậu giảm 102ha…, cây khoai tây huyện Nam Trực giảm 114ha, huyện Hải Hậu giảm 23ha…

Xã viên HTX Lương Kiệt, xã Liên Minh (Vụ Bản) thu hoạch khoai tây đông, năng suất ước đạt hơn 400kg/sào. Ảnh: Dương Đức
Xã viên HTX Lương Kiệt, xã Liên Minh (Vụ Bản) thu hoạch khoai tây đông, năng suất ước đạt hơn 400kg/sào.
Ảnh: Dương Đức

Nguyên nhân của tình trạng bấp bênh, thiếu bền vững trong sản xuất vụ đông ở các địa phương trong tỉnh là do công tác chỉ đạo, lãnh đạo sản xuất ở một số địa phương, chủ yếu là ở cấp cơ sở chưa quan tâm đúng mức, chưa có giải pháp tích cực, đồng bộ, nhất là quy hoạch ổn định vùng sản xuất vụ đông để triển khai hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh phục vụ chống hạn, úng mà vụ đông thường gặp úng đầu vụ, hạn giữa và cuối vụ kéo dài. Vai trò và hiệu lực quản lý Nhà nước về sản xuất nông nghiệp của các xã, thị trấn còn hạn chế, công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất và hiệu quả hoạt động của BNNX chưa cao, chưa đi vào nền nếp, đôi khi giữa BNNX và HTXNN hoạt động còn chồng chéo, thậm chí có nơi BNNX vẫn dựa vào HTXNN. Sản xuất vụ đông manh mún, lực lượng lao động nông thôn phân tán, làm nghề tự do nhiều, thiếu lao động, thiếu gắn bó với đồng ruộng. Giá cả các loại vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, giá nông sản tăng chậm và không ổn định làm tăng chi phí, giảm hiệu quả sản xuất. Thị trường đầu ra không ổn định;  nhiều hộ, nhiều địa phương phát triển cây vụ đông còn theo cảm tính, thiếu khoa học; thiếu thông tin thị trường, dự báo thị trường, liên kết 3 nhà, 4 nhà lỏng lẻo…

Tỉnh ta xác định đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm. Thực tế cả chục năm nay chỉ riêng 3-4 tháng trồng cây vụ đông thu nhập cao hơn, thậm chí gấp nhiều lần trồng cấy 2 vụ lúa. Có những cây trồng chỉ riêng 3-4 tháng vụ đông đã cho thu nhập cả trăm triệu đồng đối với mỗi ha trồng như dưa chuột, cà chua, hoa ly… Hiện tại năng suất lúa cũng gần đến “trần”; đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp lại… thì để nâng cao thu nhập cho nông dân không ngoài việc mở rộng cây trồng vụ đông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và phát triển ngành nghề nông thôn. Cùng với Đề án xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã hướng dẫn quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp với các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ các xã, thị trấn quy hoạch vùng sản xuất: vùng lúa cao sản, vùng lúa chất lượng cao, vùng cây vụ đông, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi tập trung… Đến đầu tháng 1-2011, đã có 167 xã, thị trấn đã xây dựng xong phương án quy hoạch. Việc quy hoạch các xã, thị trấn chỉ rõ vùng cây trồng vụ đông để khoanh vùng làm thuỷ lợi phục vụ cho vùng vụ đông. Cũng từ quy hoạch, UBND xã mới xác định trồng cây vụ đông chủ lực là cây gì, phấn đấu xây dựng hạ tầng theo từng vụ, từng năm. Từ xác định cây vụ đông chủ lực, HTX, UBND xã và các hộ nông dân tập trung tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đây chính là động lực chính mở rộng cây vụ đông. Ngành NN-PTNT, các cấp huyện, tỉnh, Trung ương có trách nhiệm thông tin cập nhật thị trường, dự tính, dự báo thị trường tiêu thụ; khuyến nông, bảo vệ thực vật tìm cây trồng mới, hiệu quả kinh tế cao, bền vững để khuyến cáo với địa phương và nông dân. Các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm phải thực sự vì nông dân, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung để tiêu thụ và chế biến, tập trung cho cây trồng phục vụ xuất khẩu...

Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã quyết định đến 2015 cả tỉnh sẽ có 73 xã, thị trấn xây dựng đủ 19 tiêu chí nông thôn mới với phương châm tự lực là chính, có sự hỗ trợ hướng dẫn của tỉnh, của Trung ương thì phát triển sản xuất ở nông thôn để nâng cao thu nhập đột phá từ cây trồng vụ đông là một mũi quan trọng. Vì vậy mở rộng, phát triển cây trồng vụ đông là nhiệm vụ chính của các địa phương trong thời gian tới để góp phần xây dựng nông thôn mới./.

Tuấn Anh

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com