Kinh nghiệm từ dạy nghề cho lao động nông thôn ở Trực Ninh

09:01, 17/01/2011

 

Giờ thực hành của học sinh trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định.  Ảnh: Dương Đức
Giờ thực hành của học sinh trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định.
Ảnh: Dương Đức

Chị Lê Thị Thanh, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) cho biết: “Từ đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, tôi được học nghề đan mây tre xuất khẩu miễn phí tại doanh nghiệp Cao Cường. Trong quá trình học, tôi còn được hỗ trợ kinh phí ăn ở, đi lại, có thu nhập thêm từ sản phẩm học nghề. Học xong, tôi được nhận vào làm, thu nhập hàng tháng trên 1 triệu đồng nên không nghĩ đến việc lên Hà Nội làm thuê kiếm sống nữa”.

Cùng tâm trạng với chị Thanh, còn có trên 1.000 lao động nông thôn của huyện Trực Ninh được học nghề miễn phí theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Có hai điểm nổi bật về hiệu quả dạ y nghề của Đề án là dạy nghề đúng nhu cầu và dạy nghề gắn với tạo việc làm. Đồng chí Phạm Quang Dương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Công tác dạy nghề được triển khai thường xuyên, hàng năm tại huyện theo các chương trình mục tiêu Quốc gia về dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động nghèo. Tuy nhiên do kinh phí thấp, cộng với nhiều tác động khách quan nên trước đây công tác dạy nghề chưa trúng, chưa đúng với nhu cầu học nghề của lao động nông thôn nên hiệu quả dạy nghề chưa cao, số lao động theo nghề chưa đông”. Theo đồng chí Dương, Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tạo sự thuyết phục cho người học nghề vì trước khi tổ chức dạy nghề đã tiến hành điều tra nhu cầu, nguyện vọng học nghề, trình độ học nghề của người lao động ở từng địa bàn thôn xóm. Huyện Trực Ninh hiện nay có trên 17 vạn dân, trong đó có hơn 9 vạn người trong độ tuổi lao động. Là huyện thuần nông, không có nhiều lợi thế về tự nhiên cũng như ngành nghề truyền thống, công tác tạo việc làm, thu nhập cho lao động trong huyện luôn là vấn đề khó khăn. Thiếu việc làm dẫn tới các hộ nghèo khó thoát nghèo bền vững ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn huyện có nhiều người ra thành phố tìm việc làm. Nguồn thu nhập này đã góp phần cải thiện đời sống người dân, nhưng kéo theo sự xâm nhập của tai, tệ nạn xã hội gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, phong tục tập quán, truyền thống hoà hiếu của người dân nông thôn. Tuy nhiên, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động ở huyện còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp được mời, gọi đi học không đúng nghề thì không hào hứng, nhiều trường hợp học xong không tìm được việc làm cũng không tha thiết nữa. Bên cạnh đó, thực tế công tác dạy nghề trước đây chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có nơi phải dạy đuổi chỉ tiêu chứ chưa quan tâm đến chất lượng đào tạo… Từ thực trạng đó, cùng với điều tra cụ thể nhu cầu nguyện vọng về nghề của lao động địa phương, huyện Trực Ninh đã xây dựng kế hoạch, tập trung vào mục tiêu dạy nghề phải gắn với tạo việc làm. Cùng với việc nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người học, huyện tiến hành điều tra tình hình sử dụng lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh. Sau khi tiếp nhận chỉ tiêu đào tạo của Đề án, ban chỉ đạo của huyện tiến hành chắp nối giữa nhu cầu học nghề của lao động và nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp, từ đó mới quyết định mở lớp đào tạo. Kết quả, trong số trên 1.000 lao động được đào tạo nghề, đến nay có trên 70% đã tốt nghiệp, trong số đó có gần 90% số lao động đã có việc làm, thu nhập ổn định từ trên 1 triệu đồng đến gần 2 triệu đồng/tháng. Tại mỗi lớp học, đều có các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hứa hẹn tuyển dụng lao động làm việc sau khoá học. Chính yếu tố này đã tạo tâm lý yên tâm cho người lao động học nghề. Theo đó, chất lượng học nghề cũng được nâng cao. Thống kê tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng lao động học nghề theo Đề án cho thấy phần đông số lao động đạt yêu cầu về chuyên môn.

Một vấn đề tạo hiệu quả cao hơn trong công tác dạy nghề cũng được áp dụng ở Trực Ninh. Đó là dạy nghề theo tiêu chí tạo điều kiện tốt nhất  cho người học chứ không phụ thuộc vào cơ sở dạy nghề. Chính vì vậy, trong phối hợp liên kết dạy nghề, huyện đề ra yêu cầu phải dạy nghề tại địa bàn để người học nghề đi lại thuận tiện, thời gian dạy nghề phải phù hợp với thời gian sinh hoạt, công việc của người lao động. Giáo trình, giáo án không nặng về lý thuyết mà tập trung vào thực hành và các kỹ năng lao động. Ưu tiên cơ sở đào tạo nghề theo phương pháp vừa học, vừa làm, học đến đâu làm đến đấy, có thể tạo ra thu nhập ngay trong thời gian học để kích thích người lao động hăng hái học nghề. Từ các tiêu chí trên mà dạy nghề lao động nông thôn ở Trực Ninh do 8 đơn vị dạy nghề cùng đảm nhận. Các lớp học nghề được trải rộng trên khắp địa bàn huyện, thời gian học cũng đa dạng được người lao động học nghề đồng tình, tích cực tham gia.

Theo thống kê của UBND huyện Trực Ninh, cùng với dạy nghề, tạo việc làm, các giải pháp khác như cho vay vốn xuất khẩu lao động. Trong năm 2010, huyện đã giải quyết việc làm cho 4.330 lao động, tăng 630 người so với cả giai đoạn 2006-2009. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn 3.260 lao động trong độ tuổi chưa có việc làm, trên 1,5 vạn lao động chưa có việc làm ổn định, toàn huyện mới có 28% lao động đã qua đào tạo nghề. Việc tiếp tục phát huy hiệu quả của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn 2011-2020 sẽ là cơ sở quan trọng để huyện Trực Ninh giải quyết những lỗ hổng về thiếu việc làm và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực./.

Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com