Đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch

08:09, 26/09/2016

Liên kết du lịch được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, qua đó thu hút du khách đến ngày càng đông, lưu giữ khách ở lại lâu hơn. Đây cũng là hướng đi mới mà tỉnh ta cần tập trung nhằm đưa du lịch phát triển.

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, tỉnh ta có đa dạng các sản phẩm du lịch: tâm linh, làng nghề, sinh thái, tắm biển và nghỉ dưỡng... Những năm gần đây, du lịch tỉnh ta đã có bước phát triển; mỗi năm đón tiếp khoảng 2 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng với doanh thu trên 500 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh thì du lịch tỉnh ta phát triển chưa tương xứng. Thực tế cho thấy, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đặc thù, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao. Do vậy, sự phát triển du lịch không chỉ nằm trong một vùng lãnh thổ, trong một tỉnh mà phải vươn ra địa phương, khu vực. Cùng chung vành nôi của nền văn minh lúa nước sông Hồng, các tỉnh quanh ta đều sở hữu kho tàng di sản văn hoá vật thể, phi vật thể đa dạng, phong phú và có nhiều nét tương đồng, là yếu tố thuận lợi để liên kết phát triển. Du lịch tâm linh là một trong những thế mạnh của tỉnh ta và các tỉnh trong khu vực. Nếu tỉnh ta có Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định), Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy (Vụ Bản) thì tỉnh Ninh Bình có Khu du lịch tâm linh Chùa Bái Đính, tỉnh Thái Bình có Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần ở huyện Hưng Hà, Chùa Keo huyện Vũ Thư… Một số điểm du lịch còn có mối liên hệ với nhau như Đền Cố Trạch, Đền Bảo Lộc ở Nam Định, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc ở tỉnh Hải Dương, Đền Trần Thương ở tỉnh Hà Nam đều thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Hằng năm vào ngày 20-8 âm lịch, tại các điểm di tích trên đều tổ chức Lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo thu hút đông du khách mọi miền về dự lễ hội, tưởng nhớ, tri ân công đức của Đức Thánh Trần. Về du lịch biển, tỉnh ta có 2 khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thuỷ), Thịnh Long (Hải Hậu), tỉnh Thái Bình có bãi biển Đồng Châu, Thành phố Hải Phòng có Đồ Sơn, Cát Bà… Về du lịch sinh thái, tỉnh ta có Vườn quốc gia Xuân Thuỷ với hệ sinh thái ngập mặn đa dạng, phong phú, tỉnh Thái Bình có các Khu du lịch sinh thái biển Cồn Vành, Cồn Đen, tỉnh Ninh Bình có Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long; tỉnh Hải Dương có Đảo cò Chi Lăng Nam. Du lịch làng nghề được coi là thế mạnh của tỉnh ta với các làng nghề: hoa cây cảnh Vị Khê (Nam Trực), đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên (Ý Yên), ươm tơ Cổ Chất, dệt Cự Trữ (Trực Ninh)…, tỉnh Hải Dương có các làng nghề: gốm sứ Chu Đậu (Nam Sách), thêu ren Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), gỗ mỹ nghệ Đông Giao (Cẩm Giàng); Thủ đô Hà Nội có các làng nghề: lụa Vạn Phúc, nón làng Chuông, gốm Bát Tràng… Để thúc đẩy du lịch phát triển, những năm qua tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động liên kết với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng như trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực hoạt động du lịch; tổ chức các đoàn khảo sát các tuyến, điểm du lịch; liên kết trang thông tin điện tử về du lịch với các tỉnh; trao đổi kinh nghiệm tổ chức du lịch sinh thái cộng đồng Vườn quốc gia Xuân Thuỷ; cùng tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến giới thiệu sản phẩm du lịch tại các liên hoan du lịch, hội chợ triển lãm thương mại du lịch tại các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng như Hải Phòng, Hà Nội... Tuy nhiên, những hoạt động này còn mang tính đơn lẻ, chưa thường xuyên và thiếu tính gắn kết nên chưa đem lại hiệu quả cao.

Múa rồng trong Lễ hội Đền Trần 2016.
Múa rồng trong Lễ hội Đền Trần 2016.

Để khai thác những tiềm năng, lợi thế, tạo đà cho du lịch phát triển, trong thời gian tới tỉnh ta cần liên kết với các tỉnh trong khu vực xây dựng các chương trình, tour du lịch chuyên đề như: Du lịch văn hoá tâm linh gắn với lịch sử vương triều Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo; du lịch “Du khảo đồng quê” tham quan các làng nghề tiêu biểu mang nét đặc trưng của vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ kết hợp với tham quan các di tích lịch sử; chương trình du lịch đến các khu, điểm sinh thái… Thường xuyên trao đổi thông tin với các địa phương qua các trang website du lịch, qua các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch. Sở VH, TT và DL cũng cần phối hợp tổ chức các chương trình cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khảo sát, tìm hiểu các sản phẩm du lịch của các tỉnh trong khu vực, qua đó xây dựng các chương trình, tour tham quan du lịch có chất lượng phục vụ du khách. Ngoài ra, Sở VH, TT và DL cần chỉ đạo Hiệp hội du lịch tỉnh triển khai chương trình kích cầu du lịch nhằm thu hút du khách như ưu đãi giảm giá hàng hoá, dịch vụ ăn nghỉ, giá vé tham quan, giá trông giữ phương tiện cho các đoàn tham quan du lịch của các tỉnh, doanh nghiệp tỉnh bạn đã tham gia ký kết thoả thuận hợp tác. Động viên, tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành vào cuộc bởi các đơn vị này đóng vai trò quan trọng trong việc đưa khách du lịch tỉnh ta đến các tỉnh bạn và ngược lại. Đẩy mạnh liên kết với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Hải Phòng để thu hút khách nước ngoài; qua đó quảng bá sự phong phú, độc đáo của du lịch tỉnh ta đến bạn bè quốc tế. Để làm tốt việc liên kết, tỉnh ta cần xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, nâng cao chất lượng nhân lực hoạt động du lịch, xây dựng các điểm đến văn minh, thân thiện, an toàn với du khách...; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo sự khác biệt mới làm tăng tính hấp dẫn đối với du khách.

Việc liên kết du lịch cho phép các địa phương khai thác những lợi thế về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác… tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, thu hút các nhà đầu tư, thu hút khách du lịch đến mỗi địa phương, là xu thế phát triển tất yếu của du lịch trong giai đoạn hiện nay. Với tiềm năng du lịch to lớn, tỉnh ta hứa hẹn sẽ làm tốt việc liên kết, để đưa du lịch tỉnh ngày càng khởi sắc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com