Chủ động kiểm soát ô nhiễm không khí

08:11, 23/11/2016
Không khí là một trong những thành phần cơ bản của môi trường, có vai trò rất quan trọng, duy trì sự sống trên trái đất; nếu không khí bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người và các sinh vật khác. Ô nhiễm không khí ở nước ta hiện đang ở tình trạng báo động, đặc biệt tại các đô thị lớn, nơi mật độ phương tiện giao thông dày đặc và tốc độ xây dựng các công trình ngày càng cao.
 
Theo Sở TN và MT, qua tổng hợp kết quả quan trắc không khí từ năm 2010-2015, ở một số địa điểm đặc trưng cho các hoạt động (như giao thông, sản xuất kinh doanh, khu vực làng nghề, khu dân cư, bãi chôn lấp chất thải tập trung) của tỉnh ta cho thấy: Tại khu vực dân cư đô thị đã có dấu hiệu bị ô nhiễm cục bộ bởi các thông số như bụi và tiếng ồn nhưng ở mức độ thấp hơn so với các khu vực khác (nút giao thông). Các thông số quan trắc môi trường không khí tại các điểm nút giao thông có giá trị cao hơn các vị trí khác; cụ thể giá trị các thông số lớn nhất tại khu vực này là bụi 320mg/m 3; tiếng ồn đạt mức 81,7 dBA; SO 2 300mg/m 3; CO 21700mg/m . Tại các KCN, CCN, làng nghề, giá trị các thông số như SO 2, CO thấp hơn tại các điểm nút giao thông nhưng có giá trị cao hơn tại các khu vực dân cư đô thị. Môi trường không khí tại các vùng nông thôn cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm các thông số bụi, tiếng ồn, khí thải bởi các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, khi môi trường không khí bị ô nhiễm, sức khoẻ con người bị suy giảm, quá trình lão hóa trong cơ thể diễn ra nhanh; các chức năng của cơ quan hô hấp suy giảm, gây ra các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, tim mạch và làm giảm tuổi thọ của con người. Tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường còn gây ảnh hưởng có hại đối với nghề nông, nghề làm vườn biểu hiện chính là làm cho cây trồng chậm phát triển. Một số thành phần ô nhiễm trong môi trường không khí làm chậm quá trình sinh trưởng của thực vật khi chúng ở nồng độ thấp, ở nồng độ cao hơn làm vàng lá, hoa quả bị lép, bị thối, ở nồng độ cao hơn nữa có thể gây chết cho cây. Ô nhiễm không khí còn kéo theo thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng đến sức khoẻ, bao gồm các khoản chi phí khám, chữa bệnh và thiệt hại cho sản xuất và nền kinh tế. Đồng thời, ô nhiễm không khí cũng đang ảnh hưởng tới điều kiện sinh sống của con người, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu và trái đất đang nóng lên. 
Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nằm xen kẽ trong khu dân cư tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản) gây ô nhiễm không khí do bụi gỗ, bụi sơn và tiếng ồn.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nằm xen kẽ trong khu dân cư tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản) gây ô nhiễm không khí do bụi gỗ, bụi sơn và tiếng ồn.
Nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí xung quanh, cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, ngày 23-9-2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về Quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu tập trung kiểm soát các nguồn khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông. Trong đó, triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi (PM10 và PM2.5), khí thải tại các nguồn thải chính (tập trung vào nguồn công nghiệp, năng lượng, giao thông và xây dựng). Kiểm kê khí thải và yêu cầu lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục với các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với cơ sở sản xuất có nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn. Đồng thời, hoàn thành thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”; quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô 2 bánh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu mới; Xác định hiện trạng ô nhiễm bụi PM10 và PM2.5 tại khu vực thành phố, thị trấn, tập trung dân cư, làng nghề, khu, CCN và các nút giao thông; Tăng cường công tác giám sát chất lượng không khí xung quanh thông qua mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh. Để thực hiện hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu, việc quản lý chất lượng không khí phải được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình quản lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, lấy phòng ngừa ô nhiễm là chính, kết hợp với xử lý, khắc phục ô nhiễm, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường không khí xung quanh. Thực hiện quan trắc, giám sát môi trường không khí định kỳ theo Quy hoạch mạng lưới quan trắc, hướng dẫn các cơ sở phát sinh bụi, khí thải thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cơ sở sản xuất về BVMT. Triển khai Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” và Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”. Khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong các ngành công nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh khí thải; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý khí thải, sử dụng hiệu quả nhiên liệu, quan trắc khí thải… Theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TT và TT đã tập trung phối hợp với các sở, ngành liên quan, các tổ chức thông tin tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT không khí; Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường không khí, nâng cao nhận thức của người dân về BVMT không khí. Sở TN và MT đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó ưu tiên tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh khí thải; các cơ sở sản xuất có hoạt động gây ô nhiễm môi trường không khí trong làng nghề (Đồng Côi, Bình Yên, Vân Chàng, Xuân Tiến, Yên Xá...). Tiếp tục thực hiện kế hoạch quan trắc hằng năm của Sở; tiến tới quan trắc hiện trạng môi trường theo Quy hoạch mạng lưới quan trắc (khi được phê duyệt). Thời gian tới, Sở TN và MT tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó lựa chọn các cơ sở có ngành nghề gây ô nhiễm môi trường không khí như: cơ khí đúc, sử dụng nhiên liệu hóa thạch, sơn, mạ, hàn xì... Trong trường hợp môi trường không khí có diễn biến xấu, Sở TN và MT sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo phương án giải quyết cụ thể và kịp thời định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở Công thương triển khai Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sở GTVT tiếp tục thực hiện Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố” của Chính phủ. Nghiên cứu, tham mưu với UBND tỉnh thúc đẩy phát triển giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh. Khai thác, vận hành các loại xe buýt, xe taxi sử dụng năng lượng thay thế nhiên liệu truyền thống, ít tiêu hao nhiên liệu. Triển khai cơ chế, chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 15-5-2015. Phối hợp với Sở Công thương tổ chức việc cung ứng các loại nhiên liệu truyền thống trên địa bàn tỉnh. Sở NN và PTNT tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do Sở quản lý, đặc biệt là các lĩnh vực xử lý phụ phẩm nông nghiệp, quy hoạch và phát triển làng nghề, chăn nuôi... Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; chủ động nâng cao năng lực, cải tiến đổi mới quy trình, trang thiết bị sản xuất, thiết bị xử lý khí thải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường không khí; thực hiện thường xuyên việc quan trắc, giám sát khí thải./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com