Mắm cáy quê tôi

09:01, 07/01/2011

Một phần tuổi thơ tôi lớn lên trên đồng bãi của con sông Văn Úc, có con cáy, con còng dân dã nay đã trở thành đặc sản.

Nhớ những ngày mùa đông lạnh giá, lũ trẻ chúng tôi rủ nhau đi câu cáy. Cần câu là đoạn tre chẻ dài hơn một mét, buộc chỉ hoặc cước có móc câu. Mồi câu thường là ruột ốc hoặc con sâu khoai ở vườn. Câu cáy không chỉ là kiếm thức ăn, mà còn là rèn tính kiên trì, khéo léo và để vui chơi thỏa thích. Phải nhử và nhấc cần thật nhẹ nhàng, từng con, từng con thế rồi cũng lưng giỏ. Không gì thích bằng câu cáy vì được tắm mình trong không gian mênh mông của ruộng bãi. Tiếng rì rào của bờ tre, bãi cói xanh ngắt như tiếng quê thân thương, nuôi lớn tâm hồn trẻ thơ chúng tôi. Thời gian thấm thoát trôi, giờ nhiều lúc vẫn ngẩn ngơ nhớ những ngày ấy!

Người lớn bắt cáy bằng lẹm. Chiếc lẹm bằng tre đực to bằng cổ tay trẻ con, đầu vót nhọn. Lẹm chọc ngang hang bẩy lên, cáy không thụt vào sâu được, phải chạy ra ngoài, chỉ việc bắt. Mẹ tôi đi một buổi là đầy giỏ. Mẹ về, mặt đỏ gay, giỏ cáy đầy sệ hông. Hôm ấy, nhà tôi được bữa canh ngon. Tôi phải tập mãi mới biết dùng lẹm. Khoái nhất là trời đang nắng bỗng đổ mưa rào, cáy bò ra la liệt mừng nước, có khi một gốc cói vài chục con, vơ sướng tay. Gặp hôm như thế, chả mấy lúc mà đầy giỏ.

Họ hàng nhà cáy khá phong phú. Cáy có mai to trông như màu đất phù sa gọi là cáy lấm, chỉ dùng nấu canh. Cáy chạy rất nhanh gọi là cáy gió. Căm căm xíu nhỏ, yếm có chấm đỏ hiền lành, dễ thương. Cáy có mùi thơm dễ chịu gọi là cáy hương nhưng làm mắm lại kém đậm đà. Loại cáy chân có lông, gọi là cáy “hôi” làm mắm mới là ngon nhất. Cáy hôi gọng trắng làm mắm ngon hơn gọng đỏ. Đẹp nhất là còng còng có đôi càng to đỏ rực, thân dài tròn như hạt mít, mai có hoa lấm tấm thật đỏm dáng. Chị em tôi thường chọn con đực to buộc chỉ vào càng làm “trâu” chơi. Ngày hè nắng lửa mà có bát canh cáy thì mát ruột. Với người bệnh, canh cáy lành hơn canh cua đồng. Đặc biệt cáy nấu canh rau tập tàng ở vườn hay bờ mương cứ ngọt lịm. Những lúc như thế, mẹ tôi thường ngâm nga câu thơ: “Năm thứ rau em đổ một nồi/ Tay bưng năm bát, em mời năm canh”. Mẹ tôi bảo đó là sự tần tảo, đảm đang và dịu dàng của người vợ trong gia đình.

Mắm cáy là đặc sản nổi tiếng ở quê tôi, vừa rẻ lại vừa giàu đạm. Mùa hè bắt được nhiều cáy, người ta làm mắm cho vào hũ đậy kỹ, chôn dưới đất hoặc trộn rơm với đất trát kín để dưới gốc chuối trong vườn. Mấy tháng sau, mắm ngấu mới lấy ăn dần. Nước mắm vàng như mật ong, trong veo, ngọt và thơm gọi là mắm chắt, không có mắm nào ngon và giàu đạm bằng mà lành bụng. Cơm gạo mùa mới mà rưới mắm chắt thì ngon tuyệt! Có nhà còn rang cáy làm thức ăn. Ngày hè, chỉ cần nửa cân cáy là làm được mắm xổi. Đĩa rau muống luộc chấm mắm cáy xổi vắt chanh cốm sủi bọt, bát nước rau vắt chanh hồng hồng cùng đĩa tôm rang vẫn là món hấp dẫn nhiều người. Ngày ấy, thăm người đẻ, người dân quê tôi chỉ có chai mắm chắt và xâu trứng cáy nhỏ nhoi là quý lắm.

Bây giờ cuộc sống nhà nhà đều đủ ăn, đủ mặc, lũ trẻ mò cua bắt cáy chúng tôi nay đã trưởng thành, mỗi đứa một nơi, nhưng khi gặp nhau vẫn bùi ngùi nhớ về những ngày lặn lội bắt con tôm, cái cáy nơi bờ đê, bãi cói. Cùng nhau thấy vui hơn, khi thấy mắm cáy nay lại trở thành đặc sản trong các nhà hàng, khách sạn và thậm chí còn là món quà quý đối với những người con nơi đất khách./.

 

Trịnh Thị Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com