Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

05:12, 09/12/2016

Ngày 7-12-2016, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Đức Đam; Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chính sách nhà ở và Thị trường Bất động sản; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Ở điểm cầu tỉnh ta, có đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở: Xây dựng, Tài chính, KH và ĐT, TN và MT, LĐ-TB và XH, Ban quản lý các KCN, Văn phòng UBND tỉnh.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự tại đầu cầu tỉnh ta.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự tại đầu cầu tỉnh ta.

Thời gian qua, hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện, đã cơ bản hình thành khung pháp lý đồng bộ với nhiều sự đổi mới có tính đột phá để điều chỉnh việc phát triển nhà ở và nhà ở xã hội. Thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, giai đoạn 1 (2013-2016) đã có 80 nghìn hộ được hỗ trợ nhà ở, với nguồn kinh phí cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 2.500 tỷ đồng. Theo báo cáo của các địa phương, đến hết tháng 11-2016, đã hoàn thành hỗ trợ cho 91.392 hộ (trong đó có 51.064 hộ xây mới và 40.328 hộ sửa chữa, cải tạo); đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho khoảng 6.800 hộ. Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn hiện nay đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với khoảng 311 nghìn hộ, theo đề án của các địa phương có 268 nghìn hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ đã đăng ký vay vốn. Tính đến tháng 10-2016, đã có 8.800 hộ dân được hỗ trợ vay vốn, với dư nợ khoảng 220/394 tỷ đồng mà Ngân hàng CSXH đã giao chỉ tiêu cho 57 địa phương. Đã hoàn thành đầu tư xây dựng 178/179 cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2 (2008-2015), đã bố trí cho 52.220 hộ khu vực ngập lũ vào ở; hiện đang tiến hành các thủ tục bổ sung thêm khoảng 130 dự án thuộc các khu vực sạt lở để triển khai trong giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã hoàn thành hỗ trợ cho 700 hộ, giai đoạn mở rộng (2013-2016) đã hỗ trợ cho 10.778 hộ/27.196 hộ. Từ năm 2009 đến nay, các dự án phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân KCN đã hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án với quy mô xây dựng khoảng 71.150 căn hộ, hiện nay các địa phương trên cả nước đang tiếp trục triển khai 191 dự án với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ. Đến nay, đã có 88/95 dự án nhà ở sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng gần 200 nghìn sinh viên, 7 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 82%. Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP đã ký hợp đồng cam kết cho vay 56.181 hộ (27.480 tỷ đồng); đã giải ngân cho 56.181 hộ (23.226 tỷ đồng); đã cam kết cho vay 51 dự án (5.361 tỷ đồng). Luật pháp, cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội đã được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng và triển khai tích cực.

Giai đoạn 2016-2020, Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm pháp luật, chính sách phát triển nhà ở xã hội; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng chương trình phát triển nhà ở của địa phương (trong đó có chương trình phát triển nhà ở xã hội). Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, xây dựng một số thiết kế điển hình phù hợp với từng đối tượng và vùng miền. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và vật liệu mới để giảm giá thành xây dựng. Nâng cao chất lượng nhà ở xã hội theo hướng đồng bộ về quy hoạch, bảo đảm hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu như giao thông, y tế, trường học. Kiến nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc thực thi chính sách và các chương trình nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 theo quy định của pháp luật. Đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, nhân dân tăng cường công tác tuyên truyền vận động, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt chú trọng vận động nguồn lực trợ giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, bộ, ngành, các doanh nghiệp báo cáo tình hình thực hiện, cũng như kiến nghị tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các chính sách, cơ chế về nhà ở cho các đối tượng chính sách trong thời gian qua. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bám sát các chủ trương, chính sách, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các dự án về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phù hợp với thực tế địa phương, đặc biệt quan tâm đến phát triển nhà ở cho công nhân ở các KCN. Các địa phương cần quán triệt rõ quan điểm “phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân”. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu Luật Nhà ở, các văn bản quy phạm pháp luật tham mưu giúp Chính phủ bổ sung điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình mới, đảm bảo cải cách thủ tục, quy trình thuận lợi. Các Bộ Tài chính, KH và ĐT, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các giải pháp khai thác tối đa nguồn lực xã hội theo hướng giảm nguồn lực Nhà nước, tăng nguồn lực xã hội hóa từ phía các doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với các thiết chế văn hóa tạo thành khu đô thị xã hội. Đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng đề án thí điểm xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân các KCN. UBND các tỉnh, thành phố phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới, tập trung cao độ giải quyết các vấn đề về nhà ở cho công nhân, ưu tiên đưa vào quy hoạch sử dụng đất đai hằng năm, lựa chọn nhà đầu tư có tầm, năng lực, tâm huyết; có cơ chế hỗ trợ khuyến khích phù hợp kết hợp tập trung cải cách thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư. Đề nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát ý kiến cử tri về nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Các ban, ngành tăng cường tuyên truyền, vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt./.

Tin, ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com