Để Giao Thuỷ trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch của tỉnh

08:15, 01/12/2023

Huyện Giao Thuỷ có nhiều thế mạnh về phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mại, thủy sản. Thời gian qua, huyện đã thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tăng tốc thu hút đầu tư, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sản xuất đồ chơi xuất khẩu tại Công ty TNHH Quốc tế KAM FUNG Việt Nam, thị trấn Quất Lâm.
Sản xuất đồ chơi xuất khẩu tại Công ty TNHH Quốc tế KAM FUNG Việt Nam, thị trấn Quất Lâm.

Huyện đã phân bổ hợp lý các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật trên địa bàn, tạo động lực cho kinh tế. Giai đoạn 2021-2023, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn huyện ước đạt gần 11.500 tỷ đồng. Nhiều dự án chiến lược có ý nghĩa lâu dài, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư. Tiêu biểu như các dự án cải tạo cầu Diêm; xây dựng mới cầu vòm Giao Nhân; kè kênh Giao Sơn; đầu tư cải tạo xây dựng khu vực bãi tắm Quất Lâm; xây dựng các khu dân cư tập trung. Chỉnh trang, cải tạo vỉa hè thị trấn Ngô Đồng; các tuyến đường: Cồn Nhì - Giao Thiện (đường Hữu sông Hồng), Thiện - Lâm (đoạn Giao Hải - thị trấn Quất Lâm); Lạc Lâm (đoạn Cồn Nhất - Chợ Vọng); Giao Tiến - Giao Tân - Giao Thịnh (đường Tả sông Sò); Giao Hà - Giao Xuân (kết nối từ Quốc lộ 37B ra đường bộ ven biển). Kết hợp với các công trình tỉnh đang tập trung đầu tư tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên hoàn với các trục giao thông trọng điểm quốc gia. Từ tháng 9-2020, khi tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh dài 65,58km, đi qua 24 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng được khởi công tại khu vực xã Giao An, huyện Giao Thủy trở thành đầu mối giao thông quan trọng, nằm trên trục đường bộ ven biển, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh kết nối với các vùng lân cận.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thân thiện, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp; tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để làm cơ sở xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư. Năm 2023, trong kế hoạch sử dụng đất huyện đã xây dựng phương án bố trí 32,73ha đất thương mại dịch vụ và 45,46ha đất sản xuất phi nông nghiệp để chủ động cung ứng các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất thuận tiện trong thực hiện các thủ tục thuê đất theo quy định. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Huyện đã thu hút được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) Thịnh Lâm 20ha với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng; CCN Giao Thiện giai đoạn 1 quy mô 50ha; CCN Giao Yến 1 quy mô 75ha. Đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, khảo sát, nghiên cứu đầu tư các khu, CCN, khu vui chơi, giải trí, dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện, như: Khu công nghiệp (KCN) Hải Long quy mô 1.100ha, khu dịch vụ du lịch biển Quất Lâm với quy mô trên 1.000ha... 

Trong quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050 huyện xác định mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch của tỉnh. Trong đó giai đoạn 2021-2030 huyện tập trung phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị), xã hội, đô thị và nông thôn mới (NTM) trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là tiềm năng kinh tế biển và du lịch sinh thái, xây dựng Giao Thủy trở thành cực phát triển động lực phía đông nam của tỉnh gắn với KCN Hải Long.

Để đạt các mục tiêu đề ra, ngoài khu vực trung tâm hiện hữu, huyện sẽ hình thành các trung tâm phát triển mới. Cụ thể là, cực trung tâm huyện được phát triển trên cơ sở trung tâm đô thị trung tâm huyện là thị trấn Giao Thuỷ (bao gồm thị trấn Ngô Đồng và xã Hoành Sơn, xã Giao Tiến) - trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện; cũng là trung tâm vùng đông nam của tỉnh, là đầu mối giao thông sông biển, cửa ngõ giao lưu buôn bán với các tỉnh và các nước trong khu vực. Cực trung tâm huyện sẽ tạo vị thế quan trọng, có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện; khi kết hợp với thị trấn Ngô Đồng và đô thị Đại Đồng tạo thành tam giác phát triển du lịch nghỉ mát, tắm biển, nghỉ dưỡng - du lịch sinh thái và du lịch làng nghề gắn với biển và Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Thiết lập khu vực đô thị Đại Đồng, thị trấn Quất Lâm thành các cực đối trọng nhằm giảm sức ép lên cực trung tâm. Ngoài ra, giai đoạn đến năm 2025 huyện dự kiến hình thành 3 đô thị, trong đó 2 đô thị loại V là đô thị Giao Thuỷ bao gồm thị trấn Ngô Đồng, xã Hoành Sơn, xã Giao Tiến, Quy hoạch mới đô thị Đại Đồng; 1 đô thị loại IV là đô thị Quất Lâm; giai đoạn sau 2025 tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, đề nghị công nhận mới các đô thị đủ điều kiện, đồng thời tiếp tục mở rộng đô thị Quất Lâm. Tiếp tục xây dựng có chiều sâu các điểm dân cư nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; tập trung các nguồn lực xây dựng NTM trên cơ sở bảo tồn các văn hóa truyền thống, kế thừa và phát huy các giá trị cũ, phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã đạt tiêu chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Huyện dự kiến, từ nay đến năm 2030 hình thành 3 KCN gồm: Hải Long 180ha, Thịnh Tân 100ha, Lạc Xuân 100ha; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí CCN Giao Thiện 50ha và đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN Yến Châu, Giao Tiến, Giao Nhân, Giao Thiện 2, Nhân Châu, Giao Yến 1, Hồng Thuận, Giao Xuân, Giao Hải, Giao Lạc, Giao An với tổng diện tích 609,80ha. Giai đoạn 2031-2050 tiếp tục mở rộng quy mô 3 KCN kể trên lên tổng diện tích 1.330ha và quy hoạch mới 3 KCN Thanh Hương, Giao Thịnh, Xuân Hải với tổng diện tích 700ha. Đến năm 2030, huyện phát triển vùng chuyên trồng lúa nước tập trung 4.300-4.400ha ở các xã Hồng Thuận, Giao Hương, Giao Thanh, Bình Hòa, Giao Tiến, Giao Hà, Giao Nhân, Giao Lạc, Giao Thịnh, Giao Xuân...; phát triển vùng chuyên nuôi trồng thủy sản 4.800-5.000ha ở Cồn Lu, Cồn Ngạn và các xã Bạch Long, Giao Long, Giao Hải, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Thiện, Giao An. Nâng cấp chợ trung tâm thị trấn Giao Thuỷ lên hạng II; xây mới hoặc nâng cấp chợ thị trấn Quất Lâm thành chợ đầu mối thủy hải sản, phát triển thêm 4 chợ dân sinh, 4 siêu thị tại các điểm du lịch biển, khu đô thị mới; xây dựng mới các trung tâm thương mại tổng hợp phục vụ khách du lịch và nhân dân địa phương. Tập trung phát triển du lịch theo hướng gắn du lịch biển với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp thể dục thể thao; hình thành các khu dịch vụ nghỉ dưỡng kết hợp sân golf tại các xã, thị trấn ven biển, ven sông Hồng. Nghiên cứu phát triển mở rộng không gian biển, dần hình thành khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái biển, dịch vụ tổng hợp, có sân golf.

Bằng sự nỗ lực, chủ động thúc đẩy phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đô thị và NTM của huyện Giao Thủy sẽ góp phần giúp tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa Nam Định trở thành một trong các tỉnh khá, là cực phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng và cả nước./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com