Đa dạng các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả ở xã Yên Phương

08:41, 03/04/2024

Nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, những năm qua, xã Yên Phương (Ý Yên) đã đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm khắc phục bất lợi về thời tiết, vị trí địa lý. Từ đó, thúc đẩy tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của người dân; xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, thủy sản, cải tạo vườn tạp để trồng màu, tổ chức mô hình sản xuất tuần hoàn, tổng hợp lúa - cá… hiệu quả.

Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của chị Đinh Thị Tuyến, xã Yên Phương (Ý Yên).
Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của chị Đinh Thị Tuyến, xã Yên Phương (Ý Yên).

Anh Tô Văn Mạnh, xóm Trung - điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp Hội Nông dân tôn vinh, biểu dương trong giai đoạn 2015-2020 thành công với mô hình nuôi cá chạch sụn. Theo dõi thị trường, nhận thấy cá chạch sụn là đối tượng “đặc sản” có thịt thơm, ngon, bổ dưỡng được thị trường tiêu thụ mạnh, anh Mạnh đã tham quan, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm các mô hình nuôi chạch sụn theo phương pháp công nghiệp trong ao. Khởi nghiệp từ năm 2017, đến nay anh Mạnh mở rộng quy mô nuôi cá chạch sụn lên 5ha với 8 ao nuôi thương phẩm. Đặc biệt, anh Mạnh đã tìm hiểu và thành công trong việc áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho cá sinh sản để chủ động nguồn con giống, giảm thiểu chi phí đầu tư. Mỗi năm, anh Mạnh xuất bán ra thị trường bình quân 50-60 tấn cá chạch sụn, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Sau thành công của anh Mạnh, một số hộ dân trong xã như các ông Tô Văn Định, Tô Văn Khải, Lã Văn Dương… đã học hỏi và làm theo mô hình này đạt hiệu quả, giúp tăng thu nhập gia đình.

Sau gần 10 năm gây dựng và phát triển, ông Đỗ Đức Ninh, xóm Sơn Hải đã biến vùng đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả thành một trang trại nuôi ba ba gai hoành tráng với quy mô hơn 2ha. Trang trại được quy hoạch khoa học với hệ thống các ao nuôi riêng gồm: 1 ao nuôi thương phẩm, 2 ao nuôi ba ba bố mẹ được kè bờ bằng bê tông kiên cố và khu vực riêng cho ba ba sinh sản, khu ấp trứng, khu ương dưỡng ba ba mới nở, khu ương ba ba giống, kho lạnh bảo quản thức ăn. Trên bờ, ông Ninh tận dụng trồng các loại cây ăn quả đặc sản như: bưởi tiến vua, bưởi Diễn, đu đủ… Ông Ninh cho biết, hiện ông đang nuôi khoảng 5.000 con ba ba gai thương phẩm và 500 con ba ba bố mẹ. Sau khoảng 3 năm, ba ba gai đạt trọng lượng từ 3-7kg là có thể xuất bán với giá 420-500 nghìn đồng/kg tùy thời điểm, kích cỡ. Mỗi năm, ông Ninh xuất bán khoảng 10 tấn ba ba thương phẩm và 3.000 con ba ba giống, thu lãi trên 1 tỷ đồng. Hiện trang trại nuôi ba ba của ông Ninh tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định 5-6 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ. Điều đáng quý là ông Ninh không giấu “bí quyết làm giàu”, sẵn sàng chia sẻ toàn bộ kỹ thuật nuôi, hướng dẫn từ cách quy hoạch, kỹ thuật đào ao đến nuôi thả, quy trình ấp trứng, ương con giống; trang trại ba ba của ông luôn là nơi bà con nông dân thoải mái đến tham quan, học hỏi nếu có nhu cầu.

Thời gian qua, nhằm hỗ trợ bà con nông dân thuận lợi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Yên Phương đã quy hoạch và chuyển đổi thành công hơn 10ha diện tích vùng cấy lúa kém hiệu quả và những diện tích thùng đào, thùng đấu ven đê để phát triển các mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Năm 2019, xã đã tạo điều kiện cho một số hộ nông dân thành lập Hợp tác xã Dịch vụ thương mại Bình Dương nhằm hỗ trợ, liên kết với nhau trong việc tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất, tìm kiếm đầu vào và thị trường đầu ra của sản phẩm. Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Yên Phương chú trọng triển khai, phát động sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đến các chi hội. Thường xuyên phối, kết hợp với các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, tập huấn cho hội viên các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng hiệu quả trong sản xuất. Từ đó, giúp bà con linh hoạt chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Ngoài các mô hình nuôi ba ba gai của ông Đỗ Đức Ninh, nuôi cá chạch sụn của anh Tô Văn Mạnh, trên địa bàn xã còn có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả khác như: mô hình nuôi chồn hương, chồn mốc của anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Mỹ Lộc (đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp phép cho nuôi, sinh sản và bảo tồn); mô hình sản xuất bánh đa canh, bún khô của Vũ Văn Thọ, xóm Trung; mô hình trồng rau luân canh, gối vụ “mùa nào, thức ấy” theo tiêu chuẩn VietGAP của chị Đinh Thị Tuyến, xóm Trung… cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Với hướng đi đúng, hiệu quả, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng “đa cây, đa con” tại xã Yên Phương đang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, giúp làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 65 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, xã Yên Phương tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những giống cây, con có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình trồng trọt theo hướng VietGAP, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao. Huy động các nguồn lực để tiếp tục đầu tư hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất để hướng đến nền nông nghiệp “an toàn và bền vững”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com