Hướng đi cho sân khấu chuyên nghiệp ở tỉnh ta

09:01, 21/01/2011

 

Một cảnh trong vở diễn “Tình sử vương triều” của Đoàn Cải lương Nam Định.  Ảnh: Xuân Thu
Một cảnh trong vở diễn “Tình sử vương triều” của Đoàn Cải lương Nam Định.
Ảnh: Xuân Thu

Trong khó khăn chung của sân khấu cả nước, sân khấu chuyên nghiệp tỉnh ta cũng đang phải đối mặt với thực trạng thiếu vắng người xem. Điều này một phần là do nhà nào cũng có tivi, phát sóng liên tục các chương trình đặc sắc phù hợp với nhiều lứa tuổi, mặt khác thị trường băng đĩa phong phú đã thâm nhập vào từng gia đình, trong khi đó, các vở diễn lại không đủ nổi trội để thu hút khán giả. Mặc dù vậy, so với mặt bằng chung, sân khấu chuyên nghiệp tỉnh ta vẫn duy trì, phát triển. Có được điều đó, sân khấu chuyên nghiệp đã biết phát huy thế mạnh của nền tảng truyền thống, nỗ lực tìm hướng đi nhằm tạo ra con đường ngắn nhất đến với khán giả. Nhà hát Chèo Nam Định với hình thức “Chiếu chèo Nam” đã làm cầu nối đưa công chúng đến với nghệ thuật ước lệ tinh tế của chèo qua hình vóc của chiếu chèo xưa, tạo nên hiệu quả đặc biệt đối với diễn xuất của nghệ sỹ và sự thưởng thức của người xem. Với mong muốn chinh phục khán giả bằng chính sức sống của nghệ thuật chèo, Nhà hát chèo Nam Định đã xây dựng dàn kịch mục phong phú để khách tuỳ chọn bài, chọn vở gồm những trích đoạn mẫu mực, các vở diễn kinh điển và hiện đại. Hàng năm, Nhà hát Chèo lưu diễn hàng trăm buổi, đến với bà con các huyện Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu… Năm 2010, Nhà hát Chèo đã tuyển chọn được 15 diễn viên, nhạc công được đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật chèo, bao gồm cả hát, múa, diễn…, góp phần trẻ hoá đội ngũ và mang đến cho sân khấu sự tươi tắn, mới mẻ, đồng thời tạo ra một thế hệ kế cận xứng đáng, tiếp nối các nghệ sỹ đi trước để bảo tồn vốn văn nghệ truyền thống quý giá của cha ông. Đoàn Cải lương Nam Định với phương châm “Không chờ khán giả đến mà phải tìm đến khán giả”, tranh thủ tìm đất diễn ở những vùng bà con còn thiếu thốn các phương tiện giải trí. Trong lúc sự yêu thích cải lương đang giảm nhiều thì vở “Đức Thánh Trần - Linh hồn Đại Việt” của đoàn vẫn “trụ” được 7 đêm liền ở huyện Từ Liêm (Hà Nội) và chiếm được tình cảm của nhân dân nhiều tỉnh: Hà Nam, Hoà Bình, Ninh Bình… Ngoài các vở diễn có đề tài về lịch sử, Đoàn Cải lương Nam Định còn dàn dựng những tiết mục nhỏ, lẻ tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội. Năm 2010, Đoàn Cải lương Nam Định được chọn đại diện cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp miền Bắc thực hiện dự án “Sân khấu học đường” do Cục Nghệ thuật biểu diễn và Trung tâm bảo tồn phát huy văn hoá dân tộc triển khai. Dự án đã có sức lôi cuốn mạnh mẽ, tác động đến tâm tư, tình cảm của đông đảo học sinh các trường đối với nghệ thuật cải lương; giúp các em hiểu được các giá trị văn hoá và cái hay, cái đẹp của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Đoàn Kịch nói Nam Định luôn “xung kích” trong mảng đề tài hiện đại, luôn chú ý khai thác các vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Không chỉ tự làm mới mình bằng cách chọn lựa, dàn dựng những kịch bản hay, hấp dẫn, Đoàn kịch nói còn chủ động tìm đến công chúng bằng nhiều con đường, trong đó chú trọng mở rộng phạm vi biểu diễn. Ngoài Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Lai Châu, đoàn đã thực hiện “Nam tiến”, phục vụ các đơn vị bộ đội. Mỗi tiết mục đoàn dàn dựng đều nhằm vào một bộ phận khán giả với những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ. Nhạy bén nắm bắt thị hiếu người xem, quan tâm đến khâu tiếp thị, quảng bá rộng rãi vở diễn mới cộng với định hướng nghệ thuật đúng đắn, Đoàn Kịch nói đã có những bước đi dài đến với công chúng.

Tuy nhiên, sân khấu chuyên nghiệp tỉnh ta vẫn trong tình trạng hoạt động “cầm chừng”. Để tồn tại và phát triển, bản thân các đoàn nghệ thuật phải tập trung nâng cao chất lượng vở diễn; tận dụng mọi nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng; coi trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và trẻ hoá đội ngũ diễn viên; kéo dài “tuổi thọ” các vở diễn bằng cách mở rộng địa bàn hoạt động, tăng cường giao lưu giữa khán giả với nghệ sỹ. Bên cạnh đó, tỉnh cần có những chính sách đãi ngộ thoả đáng để họ yên tâm gắn bó với nghề. Việc tổ chức thường xuyên các liên hoan, hội diễn cũng là việc cần làm để các đạo diễn, nghệ sỹ, diễn viên có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, được làm nghề và sống trong không khí nghề nghiệp. Đó là chất men kích thích, giúp họ thêm phấn chấn, tích cực trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Từ năm 2011, Sở VH-TT-DL đã có kế hoạch đầu tư kinh phí hỗ trợ khoảng 60-80 đêm diễn cho các đoàn diễn miễn phí phục vụ nhân dân vùng ven biển của tỉnh, sẽ góp phần làm cho sân khấu chuyên nghiệp tỉnh ta tiếp tục đứng vững và phát triển trong bối cảnh khó khăn của hoạt động sân khấu chuyên nghiệp hiện nay./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com