Tết, giá nhiều mặt hàng không tăng cao

09:01, 21/01/2011

Nhập khẩu khoảng 10.000 tấn thịt

Theo Bộ Công Thương dự báo, giá cả một số mặt hàng thiết yếu vào đầu năm 2011, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng. Tính đến tháng 12-2010, giá lúa gạo trong nước đã ở mức 6.000-7.000 đồng/kg, giá gạo tẻ thường 8.500-12.000 đồng/kg. Mặc dù so với đầu năm chỉ tăng 10-15% nhưng nếu so với cùng kỳ, mức giá này đã tăng khoảng 30-40%. Dự kiến cung cầu năm 2011 theo Bộ NN-PTNT, nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 28 triệu tấn thóc. Trong khi, sản xuất lúa gạo dự kiến đạt khoảng 39,14 triệu tấn, giảm 0,66 triệu tấn so với năm 2010, trong đó có khoảng 11,14 triệu tấn lúa hàng hoá phục vụ xuất khẩu và dự trữ (khoảng 5,6 triệu tấn gạo xuất khẩu). Với thực phẩm, Bộ Công Thương nhận định, Tết Tân Mão giá một số loại hàng có thể tăng nhưng do nguồn cung được chuẩn bị tốt nên sẽ không tăng mạnh. Năm 2011 dự kiến tổng khối lượng thịt các loại tiêu dùng trong nước khoảng 2,9 triệu tấn thịt xẻ quy đổi, tăng khoảng 6,5-7% so với 2010. Tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2011 sẽ khoảng 4,2-4,3 triệu tấn, tăng 6,5-7% so với năm 2010, thịt gia cầm tăng 14-15%; thịt bò tăng khoảng 12-13%, thịt trâu tăng khoảng 3-4% và các loại khác tăng 8-9%. Trong đó dự kiến nhập khẩu 90-100 ngàn tấn thịt các loại.

Một cửa hàng xăng dầu trên đường Hùng Vương (TP Nam Định). Ảnh: ĐỨC ĐẠT
Một cửa hàng xăng dầu trên đường Hùng Vương (TP Nam Định).
Ảnh: ĐỨC ĐẠT

Đường là mặt hàng có nhiều biến động nhưng theo Bộ Công Thương, trong năm 2010 với nhu cầu tiêu dùng đường bình quân khoảng 110.000 tấn/tháng nên sản lượng đảm bảo thoả mãn nhu cầu tiêu dùng cả tháng 1-2011 và chuẩn bị Tết Nguyên đán Tân Mão đầu tháng 2-2011. Giá đường trong nước sau một thời gian tăng nhanh, tháng 12 đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi hàng loạt nhà máy đường trong nước bắt đầu đi vào hoạt động, dự kiến giá đường thời gian tới sẽ giảm. Nhu cầu năm 2011 là 1,3-1,4 triệu tấn, trong đó sản xuất 1 triệu tấn, nhập khẩu 250 ngàn tấn.

Giá cả 2011 vẫn nhích lên

Một trong những mặt hàng có nhiều biến động trong thời gian qua đó là giá phân bón. Theo Bộ Công Thương nhận định, nguồn cung đến tháng 12 dự kiến đáp ứng đủ vụ Đông Xuân 2010-2011 nhưng giá phân bón không có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân chủ yếu do còn phụ thuộc vào nhập khẩu một số loại như ure, kali, DAP, trong khi tỷ giá USD tăng liên tục. Dự báo trong thời gian tới giá phân bón thế giới sẽ ổn định hơn. Trong khi nhu cầu phân bón cho vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Nam đã qua thời kỳ cao điểm, tại các tỉnh phía Bắc đang chuẩn bị vào thời kỳ bón chính nên giá sẽ ổn định ở phía Nam và tăng nhẹ ở phía Bắc.

Đối với mặt hàng xăng dầu, một trong những mặt hàng nhạy cảm tác động tới nhiều mặt hàng khác, Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ giữ được ổn định giá đến Tết Nguyên đán. Theo số liệu, mức tồn kho xăng dầu từ các doanh nghiệp tính đến ngày 31-12 đạt trên 1 triệu tấn. Thuế nhập khẩu xăng dầu từ đầu năm đến nay được điều chỉnh 7 lần trong đó giảm 4 lần. Trong thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao nhất vào ngày 21-2-2010. Hiện, giá xăng dầu các loại là: xăng A92: 16.400 đồng/lít, dầu diesel 0,25S: 14.700 đồng/lít, dầu diesel 0,05S: 14.750 đồng/lít, dầu mazut: 12.690 đồng/lít, dầu hoả: 15.100 đồng/lít. Theo chỉ đạo của Chính phủ, giá xăng dầu trong nước sẽ được giữ ổn định ở mức giá hiện tại đến Tết Nguyên đán Tân Mão. Tuy nhiên, sau tết chưa thể khẳng định sẽ tăng giá mặt hàng này hay không.

Theo nhận định chung của Bộ Công Thương, năm 2011, giá các nguyên liệu vật liệu đầu vào cho quá trình sản xuất tiếp tục có xu hướng tăng, do đó sẽ tác động và làm tăng chi phí đầu vào, gây áp lực đến mặt bằng giá trong nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, đó là xuất khẩu tuy tăng trưởng ở mức cao nhưng chưa vững chắc; chưa có chiến lược xuất khẩu bền vững; tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên liệu, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất các ngành như: dệt may, giày dép, linh kiện điện tử, thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Phát biểu tại hội nghị tổng kết - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: “Trong năm tới ngành Công Thương cần phải làm chủ thị trường trong nước, đồng thời phải làm chủ nhập khẩu và xuất khẩu, đi liền với nó phải quản lý thị trường giá cả theo các thông lệ quốc tế”./.

Phương Vy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com