Thúc đẩy quyền tiếp cận bình đẳng tài nguyên số cho trẻ em gái

08:10, 13/10/2021

Ngày Quốc tế Trẻ em gái 2021 có chủ đề: “Thế hệ kỹ thuật số, thế hệ của chúng ta” nhằm kêu gọi quyền tiếp cận bình đẳng các thiết bị kỹ thuật số cho trẻ em gái cũng như đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ em gái, ở mọi nơi và ở mọi độ tuổi, được kết nối, học hỏi và sáng tạo.

Ngày 19-12-2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tuyên bố lấy ngày 11-10 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em gái nhằm nâng cao nhận thức về các quyền của trẻ em gái cũng như những trở ngại đặc biệt mà các em gặp phải trên thế giới. Thêm vào đó, Ngày Quốc tế Trẻ em gái nhấn mạnh sự cần thiết phải loại bỏ những thách thức mà các trẻ em gái phải đối mặt, thúc đẩy việc trao quyền cho trẻ em gái và tôn trọng quyền con người của các em.

Ngày Quốc tế Trẻ em gái 2021 có chủ đề: “Thế hệ kỹ thuật số, thế hệ của chúng ta
Ngày Quốc tế Trẻ em gái 2021 có chủ đề: “Thế hệ kỹ thuật số, thế hệ của chúng ta".
Ảnh: bulletinscore.com

Ngày Quốc tế Trẻ em gái được thành lập dựa trên sáng kiến chung của Tổ chức phi chính phủ Plan International với sự trợ giúp của Chính phủ Canada, Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức khác. Ngày Quốc tế Trẻ em gái mỗi năm đều được LHQ chọn cho một chủ đề riêng. Bằng việc công nhận ngày 11-10 hàng năm là Ngày Quốc tế Trẻ em gái, thế giới đang chứng minh sự thật rằng làm con gái không hề là việc dễ dàng và trẻ em gái trên toàn cầu xứng đáng đón nhận sự giáo dục, bảo vệ tốt hơn và một tương lai tươi đẹp hơn. Mỗi năm vào dịp này sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh LHQ kéo dài 11 ngày để bàn về sức khỏe, hạnh phúc và các hoạt động liên quan đến trẻ em gái.

Bất bình đẳng về giới trong việc tiếp cận tài nguyên số có thể dẫn đến những rào cản đáng kể cho giáo dục của trẻ em gái. Vì vậy, cần hành động vì một tương lai tươi sáng hơn dành cho phụ nữ, nhất là các trẻ em gái trong chuyển đổi số toàn cầu.

Mới đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Quỹ Varkey và Quỹ Văn hóa của Tập đoàn CJ đã đồng tổ chức Hội thảo cấp cao với chủ đề “Xây dựng băng thông: Thúc đẩy sự tiếp cận kỹ thuật số, kỹ năng số và học tập trực tuyến của trẻ em gái”. Hội thảo thông qua hình thức trực tuyến, kết nối giữa các quốc gia trong UNESCO với sự tham gia của các lãnh đạo thuộc khu vực công, tư, và nhân đạo trên thế giới.

Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông Quốc tế năm 2020, có những khoảng cách về giới rất rõ rệt trong việc tiếp cận kỹ thuật số tại các quốc gia chậm phát triển nhất - nơi chỉ có khoảng 15% phụ nữ sử dụng internet, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 28%. Ở những nơi nghèo hơn, tỉ lệ phụ nữ có điện thoại di động ít hơn so với nam giới là 8%, và phụ nữ sử dụng internet trên điện thoại di động ít hơn nam giới là 20%.

Các nghiên cứu của LHQ cho thấy, cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra gần 2 năm qua tác động nghiêm trọng hơn tới phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những người ở các nước nghèo, phụ nữ bản địa, phụ nữ da màu và sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, bình đẳng giới đã có những tiến bộ quan trọng kể từ sau Hội nghị thế giới về phụ nữ ở Bắc Kinh năm 1995, nhưng sự tiến bộ diễn ra quá chậm. Bình đẳng giới về cơ bản là vấn đề quyền lực và quyền lực chủ yếu nằm trong tay nam giới. Ở nhiều nơi, mọi ý kiến về bình đẳng giới đã bị công kích. Các luật lệ hà khắc đã trở lại, và bạo lực khủng khiếp đối với phụ nữ ngày càng gia tăng. Hơn nữa, các cơn địa chấn của đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu phụ nữ, trẻ em gái và phá hủy nhiều thành quả về bình đẳng giới kể từ năm 1995.

Tổng thư ký LHQ kêu gọi: “Đã đến lúc phải tập hợp lại và tiếp sức cho mục tiêu của chúng ta là tạo ra một thế giới bình đẳng hơn, công bằng hơn, bền vững hơn, trong đó tất cả mọi người đều có thể thực hiện quyền con người của mình mà không bị phân biệt đối xử và không sợ hãi”./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com