Khắc phục tình trạng “Giáo án đối phó’’ trong nhà trường

08:01, 21/01/2011

Đối với mỗi giáo viên, một trong những việc làm bắt buộc là phải chuẩn bị bài trước khi lên lớp (soạn giáo án) bởi, chất lượng bài dạy phụ thuộc vào việc chuẩn bị bài của giáo viên và giáo án là một trong những tiêu chí để đánh giá chuyên môn của giáo viên. Thực tế cho thấy, nếu giáo viên chuẩn bị tốt kế hoạch dạy học thì tiết học đã thành công tới 70-80%. Bởi lẽ, khi soạn bài, giáo viên phải đầu tư nghiên cứu kỹ nội dung trong bài, trong đó có dự kiến cả những thiết bị đồ dùng dạy học cần thiết và phương pháp, hình thức tổ chức học tập riêng cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều giáo viên coi việc soạn giáo án chỉ mang tính hình thức, đối phó với việc kiểm tra của tổ chuyên môn và ban giám hiệu nhà trường.

Nhiều giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy cho rằng: Giáo án có nhiều điểm giống với một kịch bản sân khấu là chia tiết học thành các tình huống mà trong các tình huống đó, các nhân vật (thầy và trò) sẽ nói gì, thực hiện việc gì để làm nổi bật kiến thức của bài học. Tuy nhiên, giờ học không phải là một vở diễn bởi các diễn viên (học sinh) không bao giờ làm đúng như kịch bản cả. Do vậy, khi đứng lớp, nhiều giáo viên đã không phụ thuộc vào giáo án bởi họ đã nghiên cứu kỹ nội dung bài dạy qua nhiều năm giảng dạy và hoàn toàn chủ động trước các tình huống diễn ra trên lớp. Kết thúc tiết dạy, học sinh đều hiểu bài một cách tốt nhất và không bị “cháy giờ”. Điều đó đã dẫn đến hiện tượng nhiều giáo viên đã sao chép giáo án của nhau, để cho đủ với yêu cầu của bộ hồ sơ chuyên môn và mỗi đợt kiểm tra. Không chỉ sao chép giáo án giữa giáo viên các trường với nhau, giáo viên còn “rỉ tai” nhau những địa chỉ mạng có nhiều bài soạn giảng để “xào xáo”. Tuy chưa có cấp chuyên môn nào kiểm định về chất lượng các bài soạn đó, nhưng với sự khéo léo cắt xén cũng như bổ sung thêm của người sao chép mà không mất nhiều thời gian, giáo viên đã có một bài soạn giảng hoàn chỉnh!? Khi tìm hiểu về hiện tượng sao chép giáo án, nhiều giáo viên cũng không ngần ngại đổ lỗi cho việc phải dạy 2 buổi/ngày nên thiếu thời gian dành cho chuyên môn. Việc soạn bài phải tranh thủ vào những giờ giải lao, những tiết cho học sinh làm bài kiểm tra… và như vậy, cách tốt nhất là sao chép giáo án của bạn bè, đồng nghiệp và của chính mình. Mặt khác, hiện nay sách giáo viên - do chính các tác giả sách giáo khoa xuất bản, được viết khá chi tiết dưới dạng một bài soạn mẫu của hầu hết các môn học cũng phần nào làm giảm sự sáng tạo, nhiệt tình của giáo viên khi soạn giáo án. Bởi, nhiều người cho rằng, cứ đọc và hiểu sách giáo khoa, sách giáo viên là cũng tốt rồi.

Theo các nhà quản lý giáo dục thì các tài liệu giáo án mẫu là một trong những nguồn tài liệu được khuyến khích tham khảo. Giáo viên căn cứ vào đó, để bổ sung những kiến thức còn thiếu để trở thành giáo án lên lớp của mình. Tuy nhiên, giáo án mẫu là soạn chung cho mọi tình huống, không đề cập đến điều kiện cụ thể của một lớp học cụ thể với bao nhiêu học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu… Do đó, giáo viên lên lớp không có giáo án hoặc dùng giáo án do người khác soạn là không đúng quy định về chuyên môn. Ngành GD-ĐT luôn khuyến khích giáo viên tham khảo lẫn nhau trong việc phát huy sáng kiến, kinh nghiệm, cải tiến phương pháp giảng dạy theo tinh thần đổi mới, trong đó có việc soạn giảng. Vấn đề là sau khi tham khảo, giáo viên có rút được cho mình bài học và kinh nghiệm gì, cần gia công, đầu tư, cập nhật thêm những gì để mỗi giờ dạy được tốt hơn, hiệu quả hơn, nhất là thời gian vừa qua, ngành giáo dục đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, soạn giảng bằng giáo án điện tử nhằm minh họa và làm sinh động nội dung của sách giáo khoa, các thực nghiệm. Vì thế, khi giáo viên lên lớp cần tránh sự sao chép kiến thức của nhau, không soạn bài và dạy cho nhiều lớp khác nhau nhưng dùng chung một giáo án, thiếu vận dụng cụ thể vào lớp của mình. Mặt khác, nếu dùng giáo án mẫu mà giáo viên không có sự chuẩn bị bài dạy chu đáo sẽ bị động, không nắm hết được vấn đề để giải đáp cho học sinh, đặc biệt đối với những học sinh khá, giỏi.

Giáo án là khung xương của bài giảng, giúp cho giáo viên làm tốt hơn nhiệm vụ trên lớp, truyền đạt kiến thức một cách có hệ thống. Và thực tế không phải giáo viên nào cũng có thể soạn được một bài giảng tốt mà không cần tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của giáo viên khác. Quan trọng là giáo viên có sự đầu tư trong việc tìm tòi, sáng tạo để bài giảng phù hợp nhất với học sinh của mình. Theo quy định, giáo viên sau 5 năm đứng trên bục giảng, dạy cùng một khối lớp thì được sử dụng giáo án cũ, nhưng có bổ sung, chỉnh lý. Tuy nhiên, hầu hết các nhà trường đều yêu cầu giáo viên năm nào cũng phải làm giáo án mới vì tuy lượng kiến thức vẫn như vậy nhưng đối tượng dạy đã hoàn toàn khác. Vì vậy, việc kiểm tra giáo án là một yêu cầu bắt buộc để kiểm tra  sự nghiêm túc, cẩn thận và ý thức nghề nghiệp của giáo viên, kết hợp với chất lượng giảng dạy của người thầy để làm tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm. Nếu giáo viên chỉ soạn giáo án để đối phó với những đợt kiểm tra hồ sơ chuyên môn và không chú ý đến hiệu quả của giờ dạy chắc chắn sẽ tự đào thải mình ra khỏi phong trào thi đua dạy tốt, học tốt đang diễn ra sôi nổi trong khắp các trường học hiện nay./.

Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com