Khôi phục, phát triển phong trào bóng bàn

08:11, 19/11/2010

VĐV bộ môn bóng bàn Trường Nghiệp vụ TDTT tỉnh trong giờ tập luyện.
VĐV bộ môn bóng bàn Trường Nghiệp vụ TDTT tỉnh trong giờ tập luyện.
Từng thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh tập luyện nhưng những năm gần đây, môn thể thao bóng bàn ở tỉnh ta đang dần tụt hậu trên cả 2 phương diện: thành tích cao và phong trào.Năm 2003, là năm phát triển mạnh mẽ nhất của phong trào bóng bàn trong tỉnh với 1760 bàn bóng, sau 7 năm (năm 2009) chỉ tăng thêm 185 bàn bóng. Số lượng người tập luyện thường xuyên trước đây nay cũng bị mai một, số lượng người chơi mới ít nên ở nhiều địa phương, đơn vị số bàn bóng bị bỏ không nhiều. Cơ sở vật chất không được đầu tư nên những CLB, những điểm vệ tinh của môn bóng bàn ở các địa phương cũng ngày càng thu hẹp hoạt động. Vì vậy dù vẫn có trong danh sách các bộ môn thi đấu tại các giải thể thao của các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị và các xã, phường, thị trấn trong các ngày lễ, tết hàng năm, nhưng số lượng vận động viên đăng ký tham gia so với các bộ môn khác là không nhiều. Do phong trào không phát triển nên việc tổ chức các giải đấu bóng bàn thường xuyên, tạo động lực thúc đẩy số lượng người chơi cũng khó khăn. Nhiều năm qua, Liên đoàn Bóng bàn tỉnh chưa tổ chức được giải bóng bàn quy mô lớn. Ngành VH-TT-DL từ 2008 đến nay cũng chỉ tổ chức vài ba giải đấu có chất lượng như giải bóng bàn Nam Định mở rộng phối hợp với diễn đàn bongban.org tổ chức, giải bóng bàn thuộc Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VI năm 2009…

Thể thao phong trào không có sự phát triển đã kéo theo thể thao thành tích cao phát triển chậm. Hiện tại, việc đào tạo VĐV chuyên nghiệp vẫn được bộ môn bóng bàn Trường nghiệp vụ TDTT Nam Định duy trì huấn luyện các VĐV từ 9 đến 15 tuổi. Tuy nhiên, số lượng VĐV ít và không có nhiều VĐV xác định theo đuổi sự nghiệp ở bộ môn thể thao này vì chế độ, lương, phụ cấp thấp. Mặt khác, do ít được tạo điều kiện thi đấu, cọ sát hay tập huấn trong và ngoài nước để tích lũy kinh nghiệm nên số VĐV của bộ môn hàng năm ít dần. Nếu năm 2005, bóng bàn Nam Định đã vượt qua nhiều đối thủ mạnh như đoàn Hải Dương, Hà Nội…đạt HCV đồng đội nam tại giải vô địch bóng bàn thiếu niên, nhi đồng toàn quốc thì tại giải năm 2009 chỉ có 2 HCĐ đồng đội nữ và đơn nam thiếu niên. Để nâng cao thành tích cho VĐV, tổ bộ môn cũng đã liên hệ, giới thiệu các em đến tập luyện, thi đấu cọ sát ở một số cơ quan, đơn vị có phong trào bóng bàn mạnh như Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước tỉnh… nhưng chỉ là giải pháp tình thế.

Trước thực trạng trên thời gian tới, ngành TDTT cần xây dựng kế hoạch khôi phục phong trào bóng bàn trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học; khuyến khích, tạo điều kiện thành lập các CLB, các điểm vệ tinh cung cấp VĐV cho bộ môn bóng bàn. Ngành cũng cần quan tâm, tạo điều kiện về chế độ đãi ngộ, cơ sở vật chất tập luyện cho bộ môn bóng bàn của Trường nghiệp vụ TDTT, coi đây là một môn mũi nhọn nâng cao thể thao thành tích cao của tỉnh. Bên cạnh đó, Liên đoàn Bóng bàn tỉnh cần được kiện toàn để hoạt động hiệu quả, phối hợp, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ tổ chức nhiều hơn nữa  các giải thi đấu từ cơ sở đến tỉnh để tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các cơ quan, đơn vị, kích thích sự phát triển phong trào, đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao đa dạng của nhân dân./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com